Khá lên nhờ nghề tráng bánh tráng
Cách đây khoảng 5 năm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh, ở thôn Thanh Danh, xã Nhơn Phong (TX An Nhơn) phải bươn chải vào TP Hồ Chí Minh buôn bán kiếm sống. Tuy nhiên, đi làm ăn xa phải gửi hai con ở quê nhà cho nội, ngoại chăm sóc nên anh chị vừa nhớ con, vừa lo. Thấy ở quê mình chưa có ai tráng bánh tráng bằng máy, chị Oanh bàn với chồng, xem đây là cơ hội để gia đình có việc làm ổn định mà không phải xa quê.
Chị Oanh điều khiển máy làm bánh tráng. Ảnh: X.THỨC
Chị Oanh tâm sự: Quê mình đất chật, người đông, bình quân ruộng đất chưa tới 500 m2/nhân khẩu, nếu dựa vào nó cuộc sống luôn khó khăn. Sau khi tích lũy được ít vốn và vay mượn thêm, đồng thời được Hội Phụ nữ xã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 12 triệu đồng, năm 2014, vợ chồng chị đến một cơ sở chuyên sản xuất máy làm bánh tráng ở xã Nhơn Phúc đặt mua máy cùng các thiết bị khác hết gần 100 triệu đồng.
Ban đầu, chị Oanh thăm dò thị trường, chỉ tráng mỗi ngày 100 kg gạo, đều tiêu thụ hết, sau tăng lên 200 kg/ngày, những ngày gần Tết sản lượng cao hơn; mỗi tháng sau khi trừ chi phí còn lãi 15 triệu đồng. Cơ sở của vợ chồng chị giải quyết việc làm cho 3 lao động với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, gia đình chị Oanh đã trả hết nợ, còn tích lũy vốn cất được nhà cấp 4 khang trang, lo hai con ăn học đầy đủ.
“Sắp tới, tui xin thuê đất để mở rộng sân phơi, tăng sản lượng, làm hệ thống kho để sấy bánh tráng vào mùa mưa, chứ hiện nay sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường”, chị Oanh chia sẻ.
XUÂN THỨC