Nhiều ngành sản xuất công nghiệp trong cả nước có mức tăng cao
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Sáu vừa qua ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 4,3%, quý 2 tăng 7,8%), tuy thấp hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2016 so với năm 2015 nhưng cao hơn mức tăng 5,8% của 5 tháng đầu năm.
Sáu tháng đầu năm, Công ty VIGLACERA Hạ Long đạt tổng doanh thu hơn 630 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch năm, tạo việc làm cho 2.700 công nhân. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, xét về mặt tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 2 có mức tăng trưởng mạnh mẽ, có 17/21 ngành có mức tăng cao hơn so với quý 1.
Theo đó, có một số ngành có mức tăng cao như ngành chế biến, chế tạo tăng 10,5%, đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Riêng chỉ có ngành khai khoáng giảm 8,2% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,6%), làm giảm 1,8 điểm phần trăm mức tăng chung.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong 6 tháng đầu năm, một số ngành công nghiệp có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất kim loại tăng 33,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 15,3%.
Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 10,2%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước là tivi tăng 39,1%; thép cán tăng 26,1%; sắt, thép thô tăng 25,6%; phân ure tăng 19,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,5%; sữa bột tăng 10,4%...
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/6/2017 tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 9%); trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 3,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 2,5%...
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất đồ uống tăng 88,8%; sản xuất kim loại tăng 52,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 33,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (chủ yếu là ximăng) tăng 31,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 17%....
Ông Hà Quang Tuyến cũng nhận định, mặc dù tình hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định.
Theo đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, bởi theo báo cáo của Bộ Công Thuơng, có một số dự án thép lớn sẽ đi vào hoạt động từ nay đến cuối năm.
Một số ngành như thuốc lá, dược phẩm, sản xuất động cơ vẫn còn dư địa trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, ngành xây dựng dự kiến tăng trưởng trên 10% cũng sẽ có đóng góp lớn cho tăng trưởng chung…
Theo THÚY HIỀN (TTXVN/Vietnam+)