Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chi nhánh Bình Định:
Bạn đồng hành tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách
Ngày 14.1.2003, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) - Chi nhánh Bình Định chính thức được thành lập. Trải qua 10 năm hoạt động (2003 - 2013), hệ thống chi nhánh ngày càng phát triển, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh (CN) NHCSXH tỉnh, quanh vấn đề này.
● Xin ông cho biết một số nét khái quát về quá trình xây dựng, phát triển của hệ thống CN NHCSXH tỉnh?
+ Thời gian đầu mới thành lập, hoạt động của hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, nhiều phòng giao dịch (PGD) phải thuê, mượn nhà dân, hoặc phòng làm việc của UBND huyện; nhiều phương tiện, trang thiết bị (nhất là thiết bị tin học) thiếu thốn, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác. Về tổ chức, giai đoạn mới thành lập, toàn bộ hệ thống chỉ có 45 cán bộ, nhân viên (CBNV). Trong đó, biên chế tại Hội sở chính 15 người, còn PGD mỗi huyện chỉ có 3 người. Thời gian đầu, nguồn vốn ngân sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chuyển sang chưa đáng kể…
Với sự đoàn kết và quyết tâm cao của tập thể CBNV, hệ thống CN NHCSXH tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách và từng bước phát triển. Đến nay, đội ngũ CBNV của hệ thống NHCSXH tỉnh đã phát triển lên 143 người; trong đó Hội sở CN NHCSXH tỉnh có 33 người; mỗi PGD huyện có từ 9-12 người. Ngoài ra, hệ thống NHCSXH tỉnh còn có gần 8.325 cán bộ là người của các Ban quản lý của 2.775 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV). Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 159/159 xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch lưu động của CN NHCSXH.
● Được biết, qua 10 năm xây dựng và phát triển, CN NHCSXH tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển KT-XH trên địa bàn. Ông có thể cho biết một số kết quả ấn tượng nhất?
+ 10 năm qua, CN NHCSXH tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt hàng chục chương trình tín dụng ưu đãi. Trong đó, có những chương trình quan trọng như: Cho vay hộ nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay sinh viên, học sinh (SV-HS) và hộ có hoàn cảnh khó khăn; cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg; cho vay xuất khẩu lao động tại huyện nghèo theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg; cho vay theo Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2009/QĐ-TTg; cho vay Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp…
Kết quả, 10 năm qua, doanh số cho vay (DSCV) của toàn CN đạt trên 4.000 tỉ đồng; với trên 381.000 lượt hộ được vay vốn (bình quân mỗi hộ được vay 10,7 triệu đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 37%/năm. Trong số này, DSCV hộ nghèo đạt trên 2.000 tỉ đồng, với trên 153.000 lượt hộ được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay trên 13 triệu đồng); DSCV giải quyết việc làm đạt trên 235 tỉ đồng, với gần 24.000 lao động được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay 9,9 triệu đồng); DSCV SV-HS có hoàn cảnh khó khăn đạt trên 1.000 tỉ đồng, với trên 133.000 lượt hộ được vay vốn (bình quân mỗi hộ được vay 7,7 triệu đồng); DSCV xuất khẩu lao động đạt trên 10 tỉ đồng, với 590 lao động được vay vốn (bình quân mỗi lao động được vay gần 18 triệu đồng); DSCV hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đạt gần 450 tỉ đồng, với gần 18.000 lượt hộ được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay gần 26 triệu đồng); DSCV đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên 8,6 tỉ đồng, với 1.732 lượt hộ được vay vốn (bình quân mỗi hộ vay gần 5 triệu đồng)…
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi nói trên cho thấy CN NHCSXH Bình Định thực sự là người bạn đồng hành tin cậy của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về tạo việc làm, giảm nghèo và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội… Qua đó, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
10 năm xây dựng và phát triển, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhận được nhiều tặng thưởng của Chính phủ, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, như: Cờ Thi đua “Đơn vị xuất sắc nhất khu vực miền Trung” các năm 2010, 2012; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005, 2008, 2009, 2010; Bằng khen của UBND tỉnh năm 2003, 2004, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012; Cờ Thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào” của Thống đốc NHNN Việt Nam năm 2010…
● Ông có thể cho biết thêm về định hướng, mục tiêu phát triển và kế hoạch hoạt động của CN trong thời gian đến sẽ như thế nào?
+ Định hướng hoạt động dài hạn và mục tiêu, nhiệm vụ đến năm 2020 của HĐQT CN NHCSXH tỉnh đã xác định: Tín dụng ưu đãi của Chính phủ là chính sách nhằm xác định mục tiêu giải quyết việc làm, giảm thất nghiệp, giảm nghèo nhanh, bền vững, và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, mục tiêu cụ thể của CN là: Cung cấp và phát triển các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn. Về dư nợ, phấn đấu đảm bảo tăng trưởng bình quân hàng năm đạt +10% và đến năm 2020 đưa dư nợ đạt 4.500 tỉ đồng. Chúng tôi cũng sẽ củng cố, nâng cao chất lượng các chương trình tín dụng; thu hồi nợ tốt; đảm bảo vòng quay tín dụng đạt 0,25 vòng/năm. Ngoài ra, CN sẽ xây dựng nhiều tổ TK-VV hoạt động tốt, không còn tổ yếu kém, làm tốt công tác thu lãi đảm bảo đạt tỉ lệ 95% so với số phải thu hàng năm…
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu trên, CN đề ra các giải pháp chủ yếu của giai đoạn 2013-2020: Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện chỉ đạo, điều hành hoạt động NHCSXH, triển khai thành công các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tiếp tục phối hợp với 4 tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiểu về chính sách vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Xây dựng nhiều tổ TK-VV hoạt động có chất lượng, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của NHCSXH đến gần với người dân.
CN sẽ củng cố, hoàn thiện 159 điểm giao dịch tại xã cả về nội dung lẫn hình thức, đảm bảo là nơi giao tiếp thuận tiện giữa NHCSXH - chính quyền, các hội-đoàn thể - tổ TK-VV và người vay. Ngoài ra, CN sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp theo địa bàn phân công; phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát nội bộ, chấn chỉnh kịp thời sai sót, khắc phục tồn tại để hoạt động tốt hơn…
● Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)
Em là sinh viên năm thứ 2 ngành công nghệ cắt may (hệ chính quy) của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Quê của em ở xã Mỹ lợi, huyện Phù mỹ, thuộc danh mục xã Bãi ngang của Chính phủ quy định và được hưởng chế độ theo nghị định 49/2010/NĐ-CP. Nhưng từ khi nhập học đến nay em không được giải quyết về chế độ học phí, tất cả mọi thủ tục giấy tờ em nộp lên Ủy ban nhân dân xã Mỹ lợi, khi em lên hỏi thì cán bộ của Ủy ban nhân dân xã Mỹ lợi, huyện phù mỹ, tỉnh Bình định trả lời là không giải quyết, nhưng không giải thích lý do vì sao trường hợp của em không được giả quyết. Vì vậy nay em xin nhờ báo bình định giúp giùm em như vậy là đúng hay không, đồng thời giải thích giùm em để em hiểu hơn, vì điều kiện gia đình của em gặp nhiều khó khăn. Em kính mong các cấp các ngành cho em câu trả lời chính xác để em yên tâm học tập.