Sẽ xét xử điểm một số vụ án “cát tặc”
Thủ tướng cho biết, trước mắt, Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đợt cao điểm đấu tranh chống khai thác cát, sỏi trái phép.
Điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức, cầm đầu và nhóm lợi ích tham nhũng bao che. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan để khởi tố và xét xử điểm một số vụ án có liên quan hoạt động khai thác cát, sỏi. Đồng thời sẽ phân cấp triệt để cho địa phương việc cấp phép khai thác cát và thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy có tận thu sản phẩm cát; các bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên; nghiên cứu sử dụng cát nhiễm mặn phục vụ nhu cầu trong nước (san lấp bờ biển chống sạt lở, mở rộng đất liền, mở rộng đảo...). Xử lý nghiêm các vi phạm bao che, lợi ích nhóm, kể cả xử lý hình sự.
Thủ tướng cũng đã trả lời chất vấn của ĐBQH Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) về tình trạng sạt lở vùng ven biển, đê biển ở Cà Mau. Thủ tướng nêu thông tin, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2017 sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng tại nhiều địa phương trên cả nước, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, nhất là tại vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có 1.794 khu vực bị sạt lở thuộc 59/63 tỉnh, thành với tổng chiều dài trên 2.300km, riêng ở ĐBSCL khoảng 700km bờ sông, bờ biển bị sạt lở. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái rừng ngập mặn đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực ven biển ĐBSCL, nhất là tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, trung bình mỗi năm trên 500ha rừng bị phá hủy.
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp để khắc phục tình trạng này. Thủ tướng cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngân sách trung ương đã hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL xử lý khoảng 37km bờ biển bị sạt lở, trong đó riêng tại Cà Mau đã xử lý 23,8km với tổng kinh phí 652 tỷ đồng. Về cơ bản, các công trình đã phát huy hiệu quả giảm sóng, gây bồi. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, đầu tư chưa đồng bộ, căn cơ, một số công trình hiệu quả đầu tư thấp hoặc hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tình hình sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đe dọa an toàn của hệ thống đê biển và công trình cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng cho rằng việc phòng ngừa, khắc phục sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển ở vùng ĐBSCL đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa cần có nghiên cứu để có giải pháp tổng thể căn cơ lâu dài. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục quan trắc, giám sát sạt lở, kịp thời cảnh báo và tổ chức di dời dân cư bảo đảm an toàn; hỗ trợ kịp thời và tái định cư, bảo đảm ổn định đời sống người dân; khắc phục khẩn cấp các khu vực sạt lở nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu không thể di dời. Cùng với đó, triển khai các giải pháp về lâu dài, trong đó có việc không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực nguy hiểm; siết chặt việc quy hoạch, cấp phép, khai thác cát sỏi trên sông, ven biển; phối hợp với các nước trong thượng nguồn sông Mê Công theo tinh thần hợp tác khai thác, sử dụng hài hòa, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước..
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)