Quyết toán dự án hoàn thành và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản: “Nói không” với các chủ đầu tư vi phạm
Kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác quyết toán dự án (DA) hoàn thành và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) đối với các DA đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh từ năm 2015-2016 cho thấy rất nhiều hạn chế, mặc dù nhiều giải pháp xử lý đã được triển khai.
Hoạt động giám sát được Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh tiến hành trực tiếp tại Sở Tài chính, Sở KH&ĐT, UBND TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn trong tháng 5.2017; các đơn vị, địa phương còn lại thực hiện giám sát qua báo cáo. Kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII, diễn ra từ ngày 12 - 14.7.2017.
Các DA nợ quyết toán của TP Quy Nhơn đến thời điểm này đều rơi vào nhóm công trình lát gạch block vỉa hè một số tuyến đường nội thành. Ảnh: VĂN LƯU
Tồn đọng quyết toán, nợ đọng XDCB
Nếu so với thời điểm năm 2014 - Bình Định nằm trong tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về nợ quyết toán DA - thì đến thời điểm 31.12.2016, toàn tỉnh đã giải quyết được hơn 1.000 DA. Tuy vậy, còn 601 DA đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán, với tổng giá trị đề nghị quyết toán hơn 771 tỉ đồng, vẫn là con số khá lớn. Trong số này, có 41 DA cấp tỉnh phê duyệt; 246 DA cấp huyện phê duyệt; 314 DA cấp xã phê duyệt.
Điều đáng nói, rất nhiều DA nợ quyết toán nằm trong diện “cất tủ” nhiều năm liên tục. Trong 4 địa phương được giám sát trực tiếp, tình hình quyết toán DA khả quan hơn, nhưng mắc mứu lại nằm ở 6 DA ngâm quyết toán từ… năm 2008. “Đó đều là những DA đầu tư thuộc nhóm C ở các xã, phường. Tuy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu, các DA này vẫn không thể quyết toán do không đủ hồ sơ”, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cho hay.
Tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB cũng không có gì khả quan hơn. Đối với các DA hoàn thành bố trí từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, hỗ trợ cho ngân sách cấp huyện, xã, sau nhiều nỗ lực thanh toán nợ đọng XDCB trong năm 2016, tổng số nợ đọng đến ngày 31.12.2016 vẫn còn gần 397 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 6 tỉ đồng, ngân sách tỉnh hơn 301 tỉ đồng, ngân sách cấp huyện, xã (chỉ tính các DA có phần ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ) hơn 89 tỉ đồng.
Ở góc độ địa phương, so với thời điểm 31.12.2014, số nợ đọng XDCB giảm đáng kể, tuy nhiên đến 31.12.2016 một số huyện vẫn ở mức cao, như Phù Cát (gần 75 tỉ đồng), Phù Mỹ (gần 72 tỉ đồng), Hoài Nhơn (hơn 53 tỉ đồng). Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng còn cao là một số xã, thị trấn chưa tích cực khai thác nguồn để ưu tiên trả nợ, nhưng lại có xu hướng tiếp tục xây dựng công trình mới. “Báo cáo đề xuất chủ và vốn đầu tư cho một số công trình xây dựng mới thiếu khả thi; vốn đối ứng của xã, thị trấn cho công trình chưa được thực hiện theo cam kết”, ông Công cho biết thêm.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thúc Đĩnh, phải tính đến nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ cả phía các cơ quan quản lý sở, ngành, địa phương và nhà thầu. “Một số chủ đầu tư ở cấp huyện, xã quyết định phê duyệt DA theo nhu cầu thực tế thiếu tính khả thi, không tính đến khả năng cân đối nguồn vốn, tổng mức đầu tư quá lớn, vượt quá quy mô cần thiết, vượt quá khả năng đáp ứng nguồn vốn, trong khi các nguồn vốn đối ứng không huy động được mà chủ yếu trông chờ vào vốn ngân sách cấp trên hỗ trợ nên không có khả năng thanh toán cho giá trị khối lượng đã thực hiện”, ông Đĩnh phân tích.
Ưu tiên bố trí vốn trả nợ
Để kịp thời khắc phục tình trạng nói trên, theo ông Võ Thăng Long, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cần đánh giá lại việc thực hiện phân cấp trong đầu tư XDCB theo các quy định đã ban hành để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, UBND các địa phương, các chủ đầu tư trong việc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển và công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Cần thực hiện nghiêm các quy định về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Chỉ bố trí kế hoạch vốn cho các DA đầu tư khi đảm bảo được nguồn vốn, thủ tục đầu tư theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản có liên quan; không để xảy ra trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư ban đầu, dẫn tới phát sinh nợ đọng XDCB.
Ngoài ra, cần đánh giá đúng thực trạng nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh, phương án trả nợ khả thi của các cấp, đặc biệt là nợ cũ. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại giai đoạn 2018-2020 ở các cấp, nhất là cấp huyện, xã, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn thanh toán dứt điểm nợ đọng XDCB trước thời điểm 1.1.2015, giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu, quyết toán của DA thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt phát sinh mới. Kiên quyết không để phát sinh nợ đọng XDCB trong thời gian tới.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư theo quy định của Chính phủ, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra việc xử lý nợ đọng XDCB ở các địa phương. “Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc để phát sinh nợ đọng XDCB, cương quyết xử lý các vi phạm không thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công để phát sinh nợ đọng XDCB, nhất là quyết định đầu tư không xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn”, ông Long đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Sở Tài chính, đề nghị kiên quyết không giao DA đầu tư mới cho các chủ đầu tư, ban quản lý DA có các DA vi phạm thời gian lập, nộp hồ sơ báo cáo quyết toán DA hoàn thành.
Ông Nguyễn Thúc Đĩnh cũng nhấn mạnh giải pháp không bố trí vốn thanh toán số vốn còn thiếu cho các DA chậm nộp hồ sơ quyết toán từ 12 tháng trở lên. Đặc biệt, không cho phép nhà thầu vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán được tham gia đấu thầu DA mới.
THU HIỀN