Ðưa di sản đến với công chúng: Nỗ lực của Chi hội Sân khấu Bình Ðịnh
Tối 9.7, chương trình giới thiệu 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Hát bội Bình Ðịnh, Bài chòi Bình Ðịnh và biểu diễn minh họa - do Chi hội Sân khấu Bình Ðịnh chủ công tổ chức tại Trung tâm VH-TT xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Tuy diễn ra muộn vì sự cố mất điện, nhưng chương trình vẫn thu hút đông đảo khán giả địa phương và được hưởng ứng nồng nhiệt.
Đây là buổi diễn mở đầu cho chương trình đưa di sản Hát bội, Bài chòi Bình Định đến khán giả mà Chi hội nỗ lực triển khai thực hiện, với sự đồng hành của nhiều hội viên.
Trích đoạn bài chòi Thoại Khanh - Châu Tuấn, do nhóm diễn viên Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định biểu diễn, khiến nhiều khán giả Nhơn Lý thổn thức.
1.
Chiều 9.7 khi sang đến Nhơn Lý, chuẩn bị cho chương trình sẽ diễn ra tối đó, cả đoàn mới biết bên này bị cúp điện, buổi tối có không thì… chưa biết.
NSND Hòa Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu Bình Định, lo sốt vó. Chính quyền địa phương cũng lo không kém, vì lẽ, lịch diễn đã thông báo rộng rãi trong xã cả tuần nay rồi, bà con chờ mong lắm!
Thấu cái lo của người NSND đầy tâm huyết, ông Văn Bá Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, hối tài xế của đơn vị quay về Quy Nhơn đưa máy phát điện sang.
Điện sáng, cả người dân và nghệ sĩ ai cũng hân hoan, các nghệ sĩ ai vào việc nấy, nhanh chóng hóa trang, bày biện bục sân khấu, nhạc công vào vị trí, hàng trăm ghế nhựa được bưng ra…
Sợ bà con ở xa chưa biết tin có máy nổ, ông Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, tay không rời chiếc micrô, dăm bảy phút lại gióng giả thông báo: “A lô, a lô, ban tổ chức chúng tôi đã bố trí máy nổ, buổi biểu diễn không bị hủy hay hoãn, mời bà con đến xem…”. Mươi phút sau khi có điện, trong khi các diễn viên còn chưa hóa trang xong, khán giả đã ngồi chật kín sân Trung tâm VH-TT xã Nhơn Lý.
Hòa vào không khí chộn rộn của một buổi hát bội, bài chòi - vì sự cố cúp điện mà chương trình như trở nên đặc biệt, xúc động hơn - tôi càng thấm thía tâm sự của NSND Hòa Bình, rằng đó là chương trình tự quảng bá mình, tự đi tìm khán giả cho loại hình nghệ thuật của mình.
2.
Muộn hơn 1 giờ so với dự kiến, cuối cùng thì buổi biểu diễn cũng bắt đầu. Để giúp khán giả biết, hiểu hơn về 2 di sản sẽ được biểu diễn minh họa sau đó, ông Nguyễn An Pha lên sân khấu giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành, quá trình phát triển, đặc trưng… của Hát bội, Bài chòi Bình Định; nhấn mạnh về giá trị của 2 đặc sản văn hóa này của Bình Định, đã được công nhận và vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau giới thiệu là minh họa bằng biểu diễn, chương trình được nối tiếp bằng nhiều tiết mục hát bội, bài chòi xen kẽ nhau, người biểu diễn có cả những gương mặt quen là NSƯT, NSND và sự mới mẻ đến từ lớp diễn viên trẻ trung, xuân sắc... Đối diện với sân khấu đơn sơ là hàng trăm khán giả đang chăm chú thưởng thức. Nhiều khán giả còn gọi điện cho người thân, những cuộc gọi ngắn gọn, tương tự nhau: Ban tổ chức mang máy phát điện sang rồi, hay lắm, đến coi, 1 đêm nay thôi. Cụ Nguyễn Ngọc An, 79 tuổi, ở thôn Lý Chánh khi nghe đến tiết mục do NSƯT Minh Hoàng hát, khẳng định: “Theo tui đây là người hát bài chòi hay nhứt hạng Bình Định mình!”.
3.
Buổi biểu diễn đêm 9.7 tại Nhơn Lý đánh dấu mốc hiện thực hóa “giấc mơ” đi tìm khán giả cho tuồng, bài chòi bằng cách thức xã hội hóa mà NSND Hòa Bình hằng ấp ủ từ khi còn làm Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn. Và đến thời điểm này, theo bà, “Phải quyết tâm làm, nếu không sẽ không cứu nổi”. Đối tượng phải “cứu” ở đây, theo bà, là tuồng truyền thống.
Theo NSND Hòa Bình, tuồng nói chung, đặc biệt là tuồng truyền thống, đang ngày càng có nguy cơ xa lạ với không chỉ khán giả mà với cả thế hệ diễn viên tuồng trẻ. Vậy nên, ở loại hình tuồng, thể loại được tập trung giới thiệu, quảng bá là mảng tuồng truyền thống.
Từ trăn trở này, Chi hội Sân khấu Bình Định đề xuất kế hoạch quảng bá tuồng và bài chòi, điểm đến trước mắt là người dân ở cơ sở và học sinh - sinh viên. Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Hội VHNT tỉnh và sự đồng hành sát cánh của 2 đơn vị: Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định. Một số địa phương, đơn vị mà Chi hội đến liên hệ để biểu diễn như xã Nhơn Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Quy Nhơn… cũng phối hợp nhiệt tình, hỗ trợ một phần chi phí cho chương trình.
NSND Hòa Bình tâm sự: “Đưa nghệ thuật truyền thống, nhất là tuồng, đến khán giả, nếu chỉ thông qua số lượng chương trình biểu diễn do Nhà nước tài trợ, sợ là muối bỏ biển. Để có thể đạt kết quả tốt hơn, địa phương, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ… cùng cố gắng, hợp tác, san sẻ. Bản thân tôi là người đề xuất chương trình, kêu gọi nghệ sĩ phát huy lòng yêu nghề, vì tổ nghiệp và văn hóa dân tộc và hưởng ứng, cầm 150 ngàn đồng/người để gọi là bồi dưỡng. Tôi hết sức áy náy vì hiện nghệ sĩ bài chòi đắt sô được trả tới 500 ngàn/suất diễn. May mắn là anh em thấu hiểu và đồng hành, quyết tâm cùng làm!”.
SAO LY