Ngày mai 12.7, Bộ GD&ĐT công bố “điểm sàn” đại học
Ngày 12.7, Bộ GDĐT sẽ công bố 'điểm sàn' hay còn gọi là ngưỡng chất lượng đầu. Vài ngày trước, phổ điểm được công bố theo từng khối thi, các khối thi truyền thống và một số tổ hợp có nhiều thí sinh đăng ký.
Thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Như Ý
Phổ điểm đã cho thí sinh biết số lượng thí sinh đạt kết quả thi từ các mức điểm khác nhau (ví dụ: số lượng thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên, từ 20,25 điểm trở lên…).
Như vậy căn cứ phổ điểm, các thí sinh sẽ xác định được số thí sinh có mức điểm bằng và cao hơn mức điểm của em trong năm 2017 là bao nhiêu, sau đó quay sang phổ điểm năm 2016, thí sinh sẽ xác định với số lượng thí sinh như vậy năm 2016 sẽ có điểm từ mức nào trở lên và như vậy sẽ xác định được: trong vùng kết quả của từng thí sinh, phổ điểm năm nay sẽ cao hơn (hay thấp hơn) năm trước là bao nhiêu.
Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần lưu ý: phổ điểm chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố tác động đến điểm trúng tuyển của các trường.
Do vậy, để đảm bảo khả năng trúng tuyển vào các ngành phù hợp, các thí sinh vẫn phải cân nhắc để lựa chọn đủ các ngành có khả năng trúng tuyển ở các mức khác nhau; đồng thời phải cân nhắc kỹ trật tự đặt các nguyện vọng này.
Nguyên tắc xét tuyển ĐH: Điểm cao lợi thế hơn nguyện vọng
Trước câu hỏi của thí sinh về nguyên tắc xét tuyển giữa các nguyện vọng như sau: “Ví dụ thí sinh A và B đều đăng ký vào cùng một ngành của một trường; thí sinh A đăng ký nguyện vọng 1 và thí sinh B đăng ký nguyện vọng 4 thì việc xét tuyển thực hiện như thế nào? xét hết NV1 nếu còn chỉ tiêu thì mới xét NV tiếp theo có phải không?”
“Trong trường hợp thí sinh B- NV 4 điểm cao hơn thí sinh A- NV 1 thì thí sinh B có được xét trúng tuyển không?”
Trả lời vấn đề này, Ông Trần Văn Nghĩa (Cục phó Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho rằng, theo Quy chế tuyển sinh hiện hành, thứ tự ưu tiên của nguyện vọng chỉ có giá trị với chính thí sinh đó. Còn giữa các thí sinh, việc xét tuyển vào cùng ngành là bình đẳng, không phân biệt thứ tự ưu tiên nguyện vọng.
Cũng theo ông Nghĩa, trong trường hợp cụ thể nêu trên, nếu bạn B đã trúng tuyển một trong các nguyện vọng từ 1 đến 3 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 4 nữa. Còn nếu cả ba nguyện vọng trên thí sinh B đều không trúng tuyển, thì sẽ được xét tuyển vào ngành đăng ký nguyện vọng 4.
“Khi xét tuyển nguyện vọng này, thí sinh A và thí sinh B đều được xét tuyển bình đẳng như nhau, ai điểm cao hơn sẽ được lợi thế hơn”- Ông Nghĩa khẳng định.
Ông Trần Văn Nghĩa (Cục phó Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho biết, thí sinh nào điểm cao hơn thì được ưu tiên xét trúng tuyển trước mà không quan trọng đến số thứ tự nguyện vọng của thí sinh. Ai điểm cao hơn sẽ được lợi thế hơn.
Theo ĐỖ HỢP (TP)