Giải võ cổ truyền các võ đường tỉnh Bình Ðịnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2017:
Khẳng định các giá trị truyền thống
Sau 8 ngày tranh tài, Giải võ cổ truyền các võ đường tỉnh Bình Ðịnh - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2017 đã khép lại vào tối 8.7 vừa qua. Giải đã có nhiều phần thi đấu hấp dẫn, kịch tính và chọn ra những võ đường tiêu biểu ở nội dung đối kháng và hội thi.
Giải võ cổ truyền các võ đường tỉnh Bình Định - tranh cúp Hoàng đế Quang Trung năm 2017 diễn ra từ ngày 1 đến 8.7 tại TP Quy Nhơn, với sự tham gia của 513 VĐV đến từ 55 võ đường trên địa bàn toàn tỉnh.
“Võ chùa” lại lên ngôi!
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, với bề dày truyền thống cũng như sở trường ở nội dung hội thi, võ đường Chùa Long Phước (Phước Thuận, Tuy Phước) tỏ ra vượt trội so với nhiều võ đường khác ở các nội dung biểu diễn.
Nội dung đối kháng chứng kiến nhiều trận đấu hấp dẫn, quyết liệt.
Giành được tổng cộng 10 HCV, 4 HCB, 3 HCĐ, CLB Chùa Long Phước xứng đáng đoạt cúp. Bên cạnh đó, nhờ sự chung tay tích cực từ võ đường Kim Huệ cùng một số võ đường khác, huyện Tuy Phước đã giành cờ Nhất toàn đoàn với số huy chương chênh lệch khá lớn với các đoàn còn lại.
Không khỏi vui mừng khi lần thứ 3 liên tiếp giành cúp hội thi ở giải võ cổ truyền toàn tỉnh, Đại đức Thích Vạn Nguyên, Phó chủ nhiệm CLB võ cổ truyền Chùa Long Phước, chia sẻ: CLB của chúng tôi duy trì tập luyện liên tục trong năm, nhờ đó phát hiện và đào tạo nên nhiều võ sinh có chuyên môn tốt. Trước khi tham dự giải, chúng tôi chọn ra mỗi nội dung 2 võ sinh tốt nhất để cùng tập luyện. Sau quá trình chuẩn bị, người nào có phong độ tốt hơn sẽ được đưa vào danh sách thi đấu.
Võ sư Trần Duy Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - thành viên Ban Tổ chức giải, cho biết: Giải lần này có thêm nội dung mới là biểu diễn quyền tập thể, đã được nhiều võ đường đăng ký tham gia. Hầu hết trong số đó đều thể hiện được sự đồng đều và chuẩn xác của các động tác. Nhìn rộng ra ở các nội dung khác của phần hội thi, nhiều võ sinh cho thấy có sự tập luyện công phu, nền tảng thể lực tốt, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, làm toát lên tinh thần của bài võ mà mình biểu diễn.
Gay cấn ở nội dung đối kháng
Khác với phần hội thi, sự cạnh tranh ở nội dung đối kháng quyết liệt ngay từ vạch xuất phát và xuyên suốt trong những ngày giải diễn ra. Trước đêm chung kết cuối cùng, kịch tính được đẩy lên cao trào, khi cả 3 võ đường: Năm Phương (An Nhơn), Phan Đức (Tây Sơn), Thành Huy (Phù Mỹ) đều còn nguyên cơ hội đoạt cúp.
Nhìn vào danh sách 14 trận đấu, có thể thấy lợi thế nghiêng nhiều về phía Thành Huy (Phù Mỹ), khi có đến 7 võ sĩ góp mặt, bằng tổng số võ sĩ của hai võ đường còn lại thi đấu chung kết (Phan Đức có 5 võ sĩ, Năm Phương có 2 võ sĩ). Tuy nhiên, phần nhờ các học trò thể hiện được phong độ cao, phần vì các võ đường không còn khả năng tranh cúp nhưng vẫn thi đấu nhiệt tình để loại bớt đối thủ trực tiếp, võ đường Phan Đức đã đoạt cúp với chiến thắng sít sao.
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - Phó trưởng Ban tổ chức giải, cho biết: Giải lần này có chất lượng chuyên môn cao hơn lần tổ chức cách đây 2 năm. Điều đáng mừng là sức hút của giải đã làm “sống lại” không khí võ thuật ở nhiều địa phương. Sự kịch tính, gay cấn ở các nội dung thi đấu chính là thành công của giải, góp phần giúp các CLB, võ đường có thêm động lực để duy trì tập luyện, chuẩn bị cho các mùa giải tiếp theo.
Bên cạnh các võ đường có truyền thống, một số CLB, võ đường non trẻ như Hồng Cơ (Vĩnh Thạnh), Trung Trụ (Hoài Nhơn)... phần nào cũng để lại ấn tượng tốt, khi giới thiệu các gương mặt khá xuất sắc trong các đêm thi đấu.
Ngoài ra, trong số các võ sĩ góp mặt tại giải, có không ít võ sĩ từng thi đấu ở Đêm võ đài xứ Nẫu năm 2016. Hầu hết trong số đó đều giành được kết quả tốt, đơn cử như Nguyễn Thành Kỳ (võ đường Thành Huy, Phù Mỹ), thể hiện sự vượt trội và hạ knock-out Nguyễn Đăng Nhạc (võ đường Phan Đức, Tây Sơn) trong trận chung kết hạng cân 72kg nam...
LÊ CƯỜNG