Khẩn trương sửa chữa tàu cá vỏ thép
Ngày 11.7, Sở NN&PTNT đã mời Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Ðại Nguyên Dương, UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn cùng ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng để bàn bạc phương án, kế hoạch sửa chữa tàu. Tại cuộc họp, Sở NN&PTNT cùng ngư dân yêu cầu 2 doanh nghiệp (DN) đóng tàu khẩn trương sửa chữa, khắc phục tàu cá vỏ thép theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Phương án của các DN khác so với yêu cầu của tỉnh
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sau khi thống nhất với yêu cầu của UBND tỉnh và cam kết sửa chữa, khắc phục với từng chủ tàu cá, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (sau đây viết tắt là Công ty Nam Triệu), Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (sau đây viết tắt là Công ty Đại Nguyên Dương) đã xây dựng phương án, kế hoạch, tiến độ sửa chữa cho từng tàu vỏ thép bị hư hỏng. Tuy nhiên, qua kiểm tra Sở NN&PTNT nhận thấy phương án của 2 DN có nhiều nội dung khác so với ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 127/TB-UBND ngày 29.6.2017.
Tàu cá vỏ sắt đã lên đà chờ sửa chữa tại Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan.
Đối với phần vỏ tàu, theo yêu cầu của UBND tỉnh cũng như cam kết, thống nhất giữa cơ sở đóng tàu và từng chủ tàu, Công ty Đại Nguyên Dương phải thay lại thép Hàn Quốc đảm bảo cấp A và các chỉ số cơ lý, hóa lý đạt tiêu chuẩn đóng tàu vỏ thép đối với các vỏ tàu đã thay thế thép Hàn Quốc bằng thép Trung Quốc. Tuy nhiên, phương án của DN đưa ra lại không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc mà đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A.
Về máy tàu, tỉnh yêu cầu Công ty Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy hiệu Misubishi không đồng bộ và thay mới máy chính Doosan cho tàu cá của ngư dân Trần Đình Sơn, ở xã Mỹ An (Phù Mỹ). Nhưng trong phương án sửa chữa, khắc phục, DN chỉ thực hiện thay mới 10 máy hiệu Misubishi và hộp số, hệ trục chân vịt cho phù hợp; còn đối với máy chính Doosan của ngư dân Trần Đình Sơn, DN chỉ thực hiện bảo hành theo đúng hợp đồng, thay thế các linh kiện, phụ tùng mới của hãng máy, do vậy giữa chủ tàu và Công ty chưa thống nhất. Nếu ông Trần Đình Sơn yêu cầu thay máy mới, DN đề nghị có kết luận nguyên nhân hư hỏng của máy chính hiệu Doosan để có căn cứ làm việc với DN cung cấp máy. Do vậy, Sở NN&PTNT đề xuất mời Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Công ty Nam Triệu, đơn vị cung cấp máy thủy làm việc với chủ tàu để thỏa thuận, thống nhất và báo cáo UBND tỉnh.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân, nhưng theo 2 DN này, các ngư dân không chọn mẫu thiết kế tàu cá trong 21 mẫu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố mà lựa chọn thiết kế tàu của các đơn vị thiết kế xây dựng, trình duyệt riêng cho từng chủ tàu. Toàn bộ chi phí thiết kế đã đưa vào dự toán được chủ tàu đồng ý, thẩm định giá, duyệt dự toán, ngân hàng chấp nhận làm căn cứ để ký hợp đồng đóng tàu. Do vậy, số tiền thiết kế này đã được 2 DN thanh toán cho đơn vị thiết kế theo giá trị trong hợp đồng.
DN đóng tàu phải khẩn trương sửa chữa tàu cá
Tại buổi làm việc, nhiều ngư dân không hài lòng với phương án sửa chữa tàu cá của Công ty Nam Triệu. Ngư dân Trần Đình Sơn cho rằng, ông hợp đồng với Công ty Nam Triệu lắp máy Doosan mới nguyên đai, nguyên kiện, nên Công ty phải thay mới máy. Các ngư dân: Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi (ở Phù Cát); Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh (TP Quy Nhơn) yêu cầu Công ty Nam Triệu hoàn trả chi phí thiết kế tàu cá vì mẫu tàu cá của các ngư dân đều nằm trong 21 mẫu của Bộ NN&PTNT đã công bố; thay mới hoàn toàn máy phát điện, hộp số tàu cá… theo đúng hợp đồng ký kết.
Đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết sửa chữa tàu cá của ngư dân.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết: Công ty cam kết sửa chữa, khắc phục tàu cá của ngư dân trong thời gian sớm nhất. Hiện Công ty đã chuẩn bị 6 máy chính hãng Mishubishi, nếu được Sở NN&PTNT thống nhất, ngày 12.7, công ty triển khai phun sơn vỏ tàu và tháo 6 tàu cá của ngư dân để sửa chữa, khắc phục; đến tháng 8 sẽ có đầy đủ tất cả các máy chính mới để thay. Riêng đối với máy Doosan trên tàu cá của ông Trần Đình Sơn, công ty đang chờ ý kiến thống nhất của DN cung cấp máy và hãng Doosan sẽ trả lời cho ngư dân trong thời gian sớm nhất. Với các máy phụ trên các tàu cá của các ngư dân: Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi, Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh, công ty và ngư dân kiểm tra lại hợp đồng để thực hiện theo yêu cầu của ngư dân.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở mới nhận được văn bản của UBND tỉnh về phương án sửa chữa tàu cá bị hư hỏng. UBND tỉnh đã thống nhất số lượng 20 tàu cá cần phải sửa chữa, khắc phục, trong đó Công ty Nam Triệu 15 tàu, Công ty Đại Nguyên Dương 5 tàu. Về thép vỏ tàu không đúng chủng loại theo hợp đồng, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT có văn bản xin ý kiến chỉ đạo, xử lý của Bộ NN&PTNT. Đối với máy tàu, Công ty Nam Triệu phải thay mới toàn bộ 10 máy hiệu Misubishi không đồng bộ. Riêng trường hợp máy chính Doosan của ngư dân Trần Đình Sơn, nếu hư hỏng nặng thì yêu cầu Công ty Nam Triệu phải thay mới đồng bộ. Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương không hoàn trả chi phí thiết kế tàu cá khi 2 DN có hợp đồng với các chủ tàu việc thiết kế mẫu tàu không thuộc 21 mẫu đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt và công bố. Trường hợp các mẫu tàu cá của ngư dân có trong 21 mẫu tàu của Bộ NN&PTNT, DN phải hoàn trả chi phí thiết kế tàu cá cho ngư dân.
Cũng theo ông Phan Trọng Hổ, để đảm bảo việc sửa chữa, khắc phục tàu cá đúng quy trình và đảm bảo thời gian như đã cam kết, Sở NN&PTNT đã xin ý kiến và được Bộ NN&PTNT cho phép Xí nghiệp Đóng tàu Tam Quan là điểm sửa chữa, khắc phục tàu cá của Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương. Ngày 12.7, Sở NN&PTNT sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về vấn đề không thay thế toàn bộ thép Trung Quốc bằng thép Hàn Quốc hay kiểm tra tổng thể mẫu thép vỏ tàu, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp A thì mới thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp A. Trường hợp Bộ thống nhất với phương án nói trên thì sẽ thông báo cho các cơ sở đóng tàu và ngư dân thực hiện ngay, nếu Bộ không đồng ý sẽ tổ chức thêm cuộc họp giữa DN và ngư dân để bàn bạc thêm. Trong quá trình sửa chữa, khắc phục tàu cá, cơ quan đăng kiểm của Bộ NN&PTNT, tổ giám sát của tỉnh và chính quyền địa phương sẽ giám sát chặt chẽ.
PHẠM TIẾN SỸ