Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm: Góp phần cải cách tư pháp
Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, thời gian qua, Viện KSND và TAND hai cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Qua đó, nâng cao kỹ năng xét xử các vụ án và góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.
Mỗi phiên tòa một bài học kinh nghiệm
Mục đích của việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp là từng bước nâng cao kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa của kiểm sát viên (KSV). Do đó, các vụ án được lựa chọn đưa ra xét xử thường tương đối phức tạp, tính chất hành vi và hậu quả của tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; hoặc những vụ án mà nạn nhân và đối tượng gây án có mối quan hệ gia đình thân thiết, nhưng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà đối tượng có thể ra tay giết người.
Quang cảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: Việc phối hợp với TAND để tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện yêu cầu cải cách tư pháp. Do đó, trong kế hoạch công tác hàng năm của ngành KSND tỉnh đều xác định tăng cường phối hợp chặt chẽ với TAND cùng cấp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm; đồng thời, đặt ra chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cho từng đơn vị, từng KSV trong từng năm, xem đó là một trong các tiêu chí tính điểm thi đua đối với từng đơn vị, cá nhân.
Để phát huy tối đa hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm, việc chọn, phân công KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa được đặc biệt quan tâm. Do đó, tại các phiên tòa này, không chỉ KSV có năng lực được phân công thực hiện nhiệm vụ mà còn có nhiều KSV khác, để học tập kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Viện KSND hai cấp đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức 2 phiên tòa truyền hình trực tuyến, xét xử lưu động 43 vụ và 27 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm, trong đó có 51 vụ án mà KSV trực tiếp tham gia xét xử là lãnh đạo viện KSND cấp tỉnh, huyện.
Đơn cử như cuối tháng 6 vừa qua, Viện KSND tỉnh phối hợp với TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự Nguyễn Đức Vương (SN 1990) cùng đồng bọn về tội giết người. Vụ án này được chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và được truyền hình trực tuyến đến 11 điểm cầu viện KSND cấp huyện cùng theo dõi, rút kinh nghiệm.
Nâng cao kỹ năng xét xử án
Có thể nói, chính sự sát sao trong từng vụ án và họp rút kinh nghiệm ngay sau khi vụ án kết thúc đã làm cho chất lượng tranh tụng, xét xử của các phiên tòa ngày càng được nâng cao. Hiện nay, trong mỗi phiên tòa, KSV không chỉ bảo vệ phần luận tội của mình mà còn tập trung chú ý theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, những ý kiến và đề nghị của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác về nội dung cáo trạng truy tố của VKS, để kịp thời sửa đổi, bổ sung vào nội dung luận tội cho phù hợp với chứng cứ được đánh giá tại phiên tòa. Do đó, đối đáp tranh luận của KSV ngày càng sinh động, thuyết phục hơn và được đồng tình ủng hộ. Nhờ đó, thời gian qua không có tình trạng Viện kiểm sát truy tố mà tòa tuyên không phạm tội. Đại diện Viện KSND tỉnh giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Vương cùng đồng bọn, nhận xét: “Có thể coi đây là một buổi học tập thực tế, là cơ hội tốt giúp không chỉ KSV trực tiếp làm nhiệm vụ tại phiên tòa mà các KSV, cán bộ khác nói chung cũng được học tập, rút kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ”.
Có thể thấy, việc tìm kiếm những giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử của KSV bằng việc tổ chức thường xuyên các phiên tòa rút kinh nghiệm là một giải pháp hữu hiệu. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang khẳng định: “Thời gian qua, việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã cho thấy, đây là một biện pháp tự đào tạo, góp phần quan trọng tạo nên những chuyển biến tích cực về chất lượng công tác tranh tụng của KSV tại phiên tòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự nói chung”.
KIỀU ANH