Giữ gìn và phát huy tài năng thể thao:
Ý kiến của các nhà quản lý thể thao
Sau khi báo Bình Định số ra ngày 12.8 đăng bài “Giữ gìn và phát huy các tài năng thể thao: “Cần nhiều giải pháp đồng bộ”, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý thể thao trong tỉnh.
Nếu có những trung tâm đào tạo tốt cùng đội ngũ HLV giỏi, Bình Định sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “chảy máu” tài năng thể thao.
- Trong ảnh: Học sinh ở TP Quy Nhơn tham gia đợt tuyển sinh của Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) năm 2010.
* Ông NGUYỄN MINH ĐOAN, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh:
Thời gian qua, có không ít đơn vị “câu kéo” VĐV Bình Định với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, một phần vì họ thực sự cần bổ sung VĐV cho các đội tuyển, nhưng cũng có khi chỉ vì họ muốn làm suy yếu lực lượng của chúng ta. Để đảm bảo đào tạo và giữ chân được những VĐV tài năng, chúng ta cần phải có các điều kiện cơ bản như: kinh phí, cơ sở vật chất và đội ngũ HLV giỏi. Bên cạnh đó, cần phải quan tâm đến chế độ của VĐV, việc học văn hóa, nơi ở, sinh hoạt… Vì vậy, ngành thể thao cần nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn để vừa có thể đào tạo nên những VĐV giỏi, đủ sức tranh tài ở các giải quốc gia, vừa giữ được VĐV, tránh sự “nhòm ngó” của các đơn vị khác.
* Ông NGUYỄN VĂN LONG, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT tỉnh:
Trước đây, khi các vệ tinh thể thao ở cơ sở của Trường ngừng hoạt động, tình trạng các địa phương khác đến tỉnh ta tuyển chọn những VĐV tiềm năng cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, kể từ khi khôi phục các lớp vệ tinh, chúng tôi đã chọn những địa điểm có uy tín để “đặt hàng”, tìm kiếm, phát hiện những tài năng trẻ cho các bộ môn của Trường. Trường và các bộ môn thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động của các vệ tinh để cùng có hướng đầu tư, tuyển chọn VĐV một cách kịp thời và hiệu quả. Nếu phát hiện các vệ tinh này “tuồn” VĐV ra bên ngoài, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý theo quy chế phối hợp đã ký kết. Với cách làm như hiện nay, tôi tin rằng sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng “chảy máu tài năng” ở các địa phương, ít nhất là ở các bộ môn có vệ tinh như: cờ, võ và bóng đá.
* Ông BÙI TRUNG HIẾU, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định:
Việc triển khai đề án Bảo tồn và phát huy các lò võ cổ truyền để phục vụ du lịch trong thời gian qua đã góp phần giúp các võ sư, HLV có thêm điều kiện để gắn bó hơn với võ cổ truyền, từ đó giúp phong trào phát triển mạnh hơn, bổ sung nhiều VĐV xuất sắc cho đội tuyển. Tuy nhiên, tình trạng võ sư, HLV cơ sở gửi VĐV do mình đào tạo ra tỉnh ngoài cũng đã xảy ra trong thời gian qua. Để hạn chế điều này, theo tôi, cần có chế độ hợp lý cho các võ sư, HLV mỗi khi giới thiệu được VĐV lên các đội tuyển tỉnh. Bên cạnh đó, khi thi đấu ở bất kỳ giải đấu nào trong màu áo đội tuyển tỉnh, VĐV đó cũng cần được nhắc lại nguồn gốc võ đường nơi họ được phát hiện, đào tạo và trưởng thành. Điều này như một sự ghi nhớ về công sức của những người thầy đầu tiên, góp phần kích thích các võ sư đào tạo nên nhiều lứa học trò giỏi và đóng góp cho tỉnh nhà.
LÊ CƯỜNG (ghi)
Vấn đề chính là vấn đề chiến lược thể thao! Tỉnh ta không có chiến lược thể thao. Chủ yếu phụ thuộc vào tâm huyết nhất thời của lãnh đạo tỉnh. Sở chủ quản yếu không có tham mưu tốt. Tiền là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải quyết định!