Khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Hoàng Ðế: Cần phù hợp với thực tế địa phương
Cách đây nhiều năm, một số di tích ở tỉnh ta đã được khoanh vùng bảo vệ quá rộng. Ðến nay, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội ở địa phương có di tích, các khu vực bảo vệ này đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu dân sinh. Vấn đề xem lại vùng bảo vệ một số di tích đã được đặt ra với điểm trọng yếu là di tích Thành Hoàng Ðế!
Vùng bảo vệ di tích quá rộng
Năm 1982, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp Thành Hoàng Đế (TX An Nhơn) là di tích cấp quốc gia. Vùng bảo vệ di tích được khoanh với diện tích lên đến hơn 330 ha, “bao trùm” cả nhà ở và đất sản xuất của người dân ở xã Nhơn Hậu và phường Đập Đá sinh sống ổn định lâu đời trước khi di tích được xếp hạng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và các quyền sử dụng đất, khiến người dân nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương phải giải quyết thỏa đáng.
Điểm di tích Tử Cấm Thành là một trong những khu vực khoanh vùng bảo vệ của Thành Hoàng Đế.
Tháng 10.2016, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ VH-TT&DL và được chấp thuận về chủ trương điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế để đảm bảo cuộc sống của người dân và tạo điều kiện phát huy tốt hơn giá trị di tích. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, lập bản đồ khoanh vùng từng điểm di tích, và tổ chức nhiều cuộc họp bàn.
Tại cuộc họp gần đây nhất do Sở VH-TT tổ chức (5.2017), với sự có mặt, tham gia góp ý của đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục Di sản văn hóa, Viện Khảo cổ học Việt Nam... các bên liên quan đã thống nhất điều chỉnh giảm diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế nhưng vẫn bảo tồn được diện mạo của một di tích hoàn chỉnh...
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Để giảm diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế, giải pháp đưa ra là tập trung khoanh vùng từng điểm di tích gốc. Qua các cuộc họp, đã cơ bản thống nhất khoanh vùng 10 điểm di tích gốc trong Thành Hoàng Đế như đơn vị tư vấn trình bày, nhưng đề nghị phải khoanh vùng bảo vệ toàn bộ 4 mặt bờ thành ngoại... với tổng diện tích khoanh vùng sau khi điều chỉnh xuống còn khoảng 150 ha. Sở VH-TT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thành biên bản, bản đồ điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế để trình UBND tỉnh xem xét, dự kiến trong quý 3 năm 2017 sẽ trình Bộ VH-TT &DL”.
Khoanh vùng bảo vệ cần bám sát thực tế
Theo Luật Di sản văn hóa, các khu vực bảo vệ của di tích bao gồm: khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Tuy nhiên, khu vực bảo vệ II lại không quy định diện tích cụ thể là bao nhiêu... dẫn đến những trường hợp khoanh vùng bảo vệ di tích quá rộng. Điều này đòi hỏi những cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện việc khoanh vùng bảo vệ di tích không chỉ bám sát về tình hình thực tế, mà còn phải tính toán đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong tương lai để có sự khoanh vùng phù hợp.
Từ năm 2013 đến nay, Ban Quản lý di tích tỉnh được giao nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học di tích (trước đây là Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), đã tiếp tục rút kinh nghiệm, bám sát hơn thực tế ở địa phương để khoanh vùng bảo vệ di tích. Nếu như trước đây khu vực bảo vệ ở nhiều di tích có khi rộng đến hàng héc-ta, thì các di tích được công nhận những năm gần đây thường có khu vực bảo vệ có diện tích khoảng 100-200 m2. Đối với những di tích lịch sử cách mạng thường không còn yếu tố gốc cấu thành di tích mà chỉ còn lại địa điểm, thì việc khoanh vùng để bảo vệ và sau này có thể xây dựng những công trình tôn tạo, phát huy giá trị di tích được lựa chọn ở những địa điểm tiêu biểu, thuận lợi hơn.
Ông Phạm Đức Tín, Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Trước khi khoanh vùng bảo vệ di tích, chúng tôi khảo sát thực tế và họp bàn với UBND xã, những người hiểu biết về di tích... để có thể lựa chọn diện tích đất khoanh vùng một cách linh hoạt, phù hợp. Điều này cũng góp phần giải quyết khó khăn đối với những di tích những năm gần đây mới tiến hành lập hồ sơ công nhận, khu vực tính đến việc khoanh vùng bảo vệ thì trước đó rất lâu người dân đã xây dựng nhà ở, trồng trọt... nên chỉ tập trung khoanh vùng trong khu vực đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ di tích với nhu cầu dân sinh”.
“Trên địa bàn tỉnh còn có di tích quốc gia vườn cam Nguyễn Huệ ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh có khu vực bảo vệ quá rộng lên đến hơn 262 ha... Thời gian tới, Ban Quản lý di tích tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại khu vực bảo vệ ở những di tích đã công nhận, từ đó có sự xem xét, kiến nghị điều chỉnh những gì còn chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Ông ĐẶNG HỮU THỌ, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh
HOÀI THU