Xóa bỏ lò gạch ngói nung thủ công: Không đảm bảo lộ trình
Mặc dù ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, song vẫn không đảm bảo được lộ trình chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công (sau đây viết tắt là SXGNTC) theo tinh thần Quyết định 48/2013 ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Viết Bảo, Phó giám đốc Sở Xây dựng, quanh vấn đề này.
* Xin ông cho biết cụ thể số lượng lò SXGNTC trên địa bàn tỉnh chưa được xóa bỏ. Đâu là nguyên nhân chậm trễ, và giải pháp nào để xóa bỏ các lò GNTC còn tiếp tục sản xuất?
Ông Trần Viết Bảo
- Tỉnh ta có 1.208 cơ sở SXGNTC, tập trung chủ yếu ở huyện Tây Sơn với 958 cơ sở. Theo Quyết định số 48/2013 ngày 20.12.2013 của UBND tỉnh quy định lộ trình và chính sách hỗ trợ chấm dứt hoạt động các cơ sở SXGNTC trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1.1 - 31.12.2014, chấm dứt hoạt động đối với các lò GNTC nằm trong khu dân cư; đến ngày 31.12.2015 chấm dứt hoạt động đối với các lò GNTC nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài các cụm công nghiệp (CCN) và đến ngày 31.12.2016 chấm dứt hoạt động đối với các lò SXGNTC trên địa bàn tỉnh. Như vậy có nghĩa là đến cuối năm 2016 phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động SXGNTC.
Thời gian qua, ngành Xây dựng và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để xóa bỏ các cơ sở SXGNTC nhưng vẫn không đảm bảo đúng lộ trình. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã phá bỏ được 816 cơ sở SXGNTC, còn 392 cơ sở tại các CCN trên địa bàn huyện Tây Sơn chưa thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng cơ sở SXGNTC ở Tây Sơn quá lớn, phân bổ trên địa bàn rộng, trong khi đó một số xã chưa triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp xóa bỏ các cơ sở GNTC theo lộ trình. Hơn nữa, nhiều hộ nhận thấy nhu cầu sử dụng vật liệu gạch ngói lớn, giá cao, nên cố tình kéo dài thời gian hoạt động. Ngoài ra, một số hộ kinh tế gia đình còn khó khăn và lúng túng trong việc lựa chọn nghề, nên chưa phá bỏ cơ sở SXGNTC.
Để giải quyết dứt điểm hoạt động của các cơ sở SXGNTC trên địa bàn huyện Tây Sơn, Sở Xây dựng và UBND huyện Tây Sơn thống nhất phương án: Cắt điện, thu hồi đất dự trữ, không cung cấp điện cho các cơ sở SXGNTC và tiến hành cưỡng chế, đảm bảo đến 31.12.2017 phá bỏ hết các cơ sở SXGNTC. Bên cạnh đó, sử dụng 6,467 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh cấp bổ sung cho huyện Tây Sơn để hỗ trợ cho các hộ dân xóa bỏ cơ sở SXGNTC. Đối với những hộ hoặc nhóm hộ xin chuyển đổi sang xây dựng lò Hoffman, ngành chức năng huyện Tây Sơn hướng dẫn người dân hoàn thành hồ sơ, gửi Sở Xây dựng kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương chuyển đổi theo đúng quy hoạch.
* Hiện một số tỉnh, thành trong nước đã và đang xóa bỏ lò gạch Hoffman, nhưng tỉnh ta lại cho xây dựng loại lò gạch này, vì sao vậy, thưa ông?
- Công nghệ lò nung Hoffman (lò vòng) có nguồn gốc từ nước Đức, được chuyển giao vào Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước và đã được cải tiến chuyển từ việc đốt củi sang đốt phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều... Lò Hoffman sử dụng ít chất đốt và sử dụng hiệu quả cao nguồn nhiệt, có công đoạn xử lý bụi và khói trước khi xả ra môi trường, nên đã giảm được lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường (giảm trên 70% so với lò thủ công).
Sản xuất gạch ngói bằng đất sét nung thủ công ở Cụm công nghiệp Hóc Bợm, xã Bình Nghi (Tây Sơn).
Tôi được biết, hiện mới chỉ có tỉnh Bình Dương chủ động xóa bỏ lò gạch Hoffman. Tỉnh ta cũng không khuyến khích xây dựng nhiều lò Hoffman, nhưng trong quá trình thực hiện lộ trình xóa bỏ lò GNTC cần phải giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) phục vụ hoạt động xây dựng và giải quyết việc làm cho lao động tại các địa phương. Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và quy hoạch phát triển VLXD đến năm 2020 của tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh cho phép các chủ cơ sở, doanh nghiệp đã xóa bỏ lò SXGNTC chuyển sang xây dựng lò Hoffman hoặc lò Tuynen. Hiện toàn tỉnh có 36 lò Hoffman, tổng công suất 257 triệu viên, trong đó huyện Tây Sơn có 26 lò, nhiều nhất tỉnh.
Theo tôi, tỉnh ta cho phép các tổ chức, cá nhân xây dựng lò Hoffman để thay thế dần các cơ sở SXGNTC là phù hợp với yêu cầu thực tế. Sở Xây dựng đã và đang kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng xây dựng lò Hoffman tràn lan, phá vỡ quy hoạch phát triển VLXD của tỉnh.
* Nếu tỉnh ta đã xóa bỏ hoàn toàn các lò SXGNTC thì có đảm bảo đủ gạch phục vụ hoạt động xây dựng trong tỉnh?
- Ngoài 36 lò gạch Hoffman, tỉnh ta còn có 4 cơ sở sản xuất gạch Tuynen và 9 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất trên 419 triệu viên/năm, gần tương tương với tổng công suất các cơ sở SXGNTC. Các cơ sở nói trên phân bổ đều ở các địa phương; các chủ cơ sở cũng đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ, nên người dân có thể dễ dàng tìm mua sản phẩm để sử dụng.
Hơn nữa, theo Quyết định số 1787/QĐ-UBND ngày 23.5.2017 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch VLXD (sản phẩm gạch xây và vật liệu lợp) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, tổng công suất gạch nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh là 556,7 triệu viên và 438 triệu viên gạch không nung. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, việc xóa bỏ các cơ sở SXGNTC không làm thiếu hụt lượng gạch ngói cần sử dụng trong xây dựng.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)