Sở Y tế Bình Định nói Bảo hiểm xã hội “làm dư luận hoang mang”, hiểu sai về đấu thầu thuốc
Đó là nội dung đoạn cuối bản báo cáo 1558/SYT-NVD do Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng ký hôm 11.7 gửi Bộ Y tế, UBND tỉnh Bình Định liên quan đến việc 126 loại thuốc có giá trúng thầu cao hơn địa phương khác.
Báo cáo gửi Bộ Y tế của Sở Y tế Bình Định. Ảnh: X.N
Sở Y tế Bình Định cho rằng, việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đơn phương yêu cầu thương lượng với nhà thầu trúng thầu để giảm giá thuốc là “không nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thuốc, gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)”. Báo cáo 1558/SYT-NVD đề nghị Bộ Y tế “làm việc với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể đối với việc xem xét lại giá thuốc trúng thầu sau khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu”.
Có thuốc cao hơn 100%
Như Lao Động đã đưa tin, ngày 23.6, BHXH Bình Định có văn bản 614/BHXH-GĐ BHYT gửi Sở Y tế, nêu: “Qua rà soát giá thuốc trúng thầu tại Quyết định số 853/QĐ-SYT ngày 12.6.2017, BHXH Bình Định nhận thấy một số thuốc có giá trúng thầu cao hơn 10% trở lên so với giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác”. BHXH Bình Định đề nghị đơn vị mua thuốc tập trung (do UBND tỉnh thành lập ngày 30.12.2016) “thương lượng lại với các nhà thầu, điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT”.
Theo danh mục do BHXH Bình Định rà soát, 126 tên thuốc từ 18 đơn vị trúng thầu có giá cao bất thường so với nhiều địa phương được chọn đối chiếu như Điện Biên, Lai Châu, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, Trà Vinh... Thuốc Salbutamol dạng hộp 100 viên nén, do Cty CP Dược phẩm Minh Dân sản xuất và trúng thầu, cao hơn giá tháng 1.2007 ở chính Bình Định 117,78%; thuốc Lafaxor 75mg hộp 30 viên nang cứng (Cty TNHH Dược phẩm Đạt Vi Phú sản xuất, Liên danh Cty CP Gon Sa – Đạt Vi Phú trúng thầu) cao hơn giá so sánh tháng 7.2016 ở Bà Rịa - Vũng Tàu 59,57%; thuốc Emanera 20mg hộp 28 viên nang cứng (nhập khẩu từ Slovenia, Cty CP Dược Trung ương Medipharco – Tenamid trúng thầu) cao hơn giá so sánh tháng 1.2017 ở Nghệ An 50,9%...
Sở Y tế Bình Định khẳng định tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng từ gói thầu số 01. Ảnh: X.N
Tốt... nhưng gây hoang mang
Gói thầu số 01, thuốc generic phê duyệt tại Quyết định 853/QĐ-SYT có 1.970 mặt hàng. Sở Y tế Bình Định khẳng định, 1.884 mặt hàng trong số đó tham khảo giá trúng thầu đăng tải trên trang thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội (BHXH) như quy định của Thông tư 11/2016/TT-BYT, chiếm 95,6%. Trong 126 mặt hàng trúng thầu mà BHXH Bình Định đề nghị thương thảo lại giá, chỉ 2 mặt hàng tham khảo bằng phương thức báo giá. Có 64 đơn vị tham gia dự thầu; số nhà thầu trúng thầu là 52.
Báo cáo của Sở Y tế cho biết 1.479/1.970 mặt hàng trúng thầu với số tiền 502.857.139.195 đồng, trong khi giá kế hoạch là 641.022.629.757 đồng. “Gói thầu tiết kiệm được 22%, tương đương 138.165.490.562 đồng”, cơ quan này kết luận.
Ngày 29.6, Sở Y tế gửi 18 nhà thầu văn bản đề nghị xem xét lại giá đã trúng thầu. Ông Lê Quang Hùng tường trình kết quả như sau: Đến hết ngày 5.7, có 4 nhà thầu không phúc đáp (đồng nghĩa không chấp nhận giảm giá 11 mặt hàng). Trong 14 nhà thầu phản hồi, có 7 không đồng ý giảm giá 20 mặt hàng, 7 đồng ý giảm giá 40/95 mặt hàng. Với 40 mặt hàng đồng ý giảm giá, Sở thông báo cho các bên liên quan triển khai thực hiện. 86 mặt hàng không được chấp thuận giảm giá, Sở đề nghị BHXH thanh toán theo mức giá trúng thầu.
Tuy nhận xét “việc cơ quan BHXH đề nghị thương thảo lại giá trúng thầu là việc làm tốt nhằm giảm tối đa chi phí đối với thuốc dùng cho người bệnh”, nhưng sau khi viện dẫn nhiều lý lẽ, Sở Y tế Bình Định cuối cùng đã đi đến đánh giá có phần nặng nề như trên.
Theo XUÂN NHÀN (LĐO)