Mình đi núi cao
Vùng đất tôi vừa đến - An Lão - là một trong các nguồn (nguyên) của Bình Định, với tất cả các nét nghĩa cả về địa lý và địa văn hóa. Nơi đây, âm thầm trong mạch núi ở độ cao hàng trăm thước đứng là những dòng nước trường sinh. Như những người lính mật phục, nước ẩn náu trong lòng đất từ ngàn ngàn niên kỷ, bất ngờ chọn một khe núi nào đó làm điểm xuất phát, rồi cứ thế vắt vẻo trên các sườn non vừa tuôn chảy vừa hát ca trước khi đổ vào sông lớn.
Nước vắt vẻo trên các sườn non vừa tuôn chảy vừa hát ca. Ảnh Tấn Tùng
Sông An Lão vạm vỡ tung bờm như một con ngựa bất kham băng qua thượng nguồn, bảo đá lăn thì đá lăn, bảo đất lở thì đất lở. Trong đám bụi mịt mù do con ngựa nước bất kham ấy làm dậy lên sương sớm mưa chiều, cây gì mọc lên đất này cũng xanh, xanh đến nồng nàn, thấm thía.
Chả vậy mà từ xưa xửa xừa xưa, An Lão đã nổi tiếng trầu nguồn và hồ tiêu. Trầu thì chỉ bán cho các nước gần gần trong khu vực Đông Á, Nam Á, nhưng hồ tiêu thì Âu - Á đều chuộng. Các thương nhân Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa theo đường biển đến Đàng Trong từ thế kỷ XVI, chưa kịp cập thuyền vào cảng Thị Nại đã nghe rộn mùi thơm thơm cay cay làm bụng dạ cồn cào. Thương nhân Hà Lan lim dim hỏi: Này này có mùi gì? Thổ dân An Nam đáp: Mùi cá kho. Thương nhân Hoa hít hít rồi hỏi: Cá kho với gì mà chật ních lỗ mũi thế? Thổ dân An Nam thủng thỉnh: À, kho với nước mắm nhỉ Quy Nhơn và hồ tiêu An Lão. Toàn thể thương nhân nhao nhao gạ: Cho tao ăn thử nhé. Thổ dân An Nam cười toe: Sẵn sàng thôi! Chỉ e chúng mày ghiền! Thế là cơm trắng cá kho dọn lên, còn nghi ngút khói, mà một loáng sạch veo. Thạch Sanh bữa ấy mang nồi đi vô núi nên thổ dân không có nồi thần nấu cơm thêm đãi khách. Khách ăn cay chảy nước mắt nước mũi mà còn thèm. Trong cơn thèm mê thèm mẩn, toàn thể thương nhân quyết định đặt mua hồ tiêu An Lão.
Thiếu nữ vùng cao xã An Toàn múa hát bên đống lửa trại trước nhà rông thôn 1, xã An Toàn. Ảnh Nguyễn Hân
Thế là sau cái đận cho ăn thử "tiếp thị" lịch sử mà các sử gia chưa kịp chép, thương nhân tứ xứ ghiền thật, không quản ngày đêm lũ lượt giong buồm đến Quy Nhơn đòi mua hồ tiêu An Lão. Chúa Đàng Trong cho dân bán hữu nghị, đổi tiêu lấy tàu bè, vải vóc thuốc Tây, thuốc Bắc, hình như cả ... thuốc xì gà nữa. Lại nói các thuyền buôn giành nhau mua, thuyền nhiều thuyền ít không bằng lòng, vừa kéo ra khỏi lãnh hải An Nam, các thuyền nhân cãi nhau chí chóe, ngư dân Quy Nhơn lái thuyền nhẹ ra can rồi tặng mỗi tàu một rổ bánh ít lá gai, nhờ vậy tháo ngòi chiến tranh gia vị.
Thôi không nói chuyện ngày xưa nữa, vì phong vị An Lão thơm cay bát ngát từ bấy đến giờ. Con người nơi đây từ da đến tóc đến mắt môi đều pha màu nắng, có lẽ vì khoảng cách từ đỉnh núi đến mặt trời ngắn hơn các vùng khác, có lẽ...
Các thành viên leo núi chinh phục thác K50 ở An Toàn, An Lão. Ảnh: KHỔNG XUÂN HIỀN
Với da và tóc và mắt nhuộm mặt trời như vậy, tiếng hát của họ thế nào bạn biết không? Âm vực rộng dài và cao vút, bay vượt trên những tầng cây, những mái nhà sàn, như đôi cánh đại bàng khát vọng mà người H're luôn gắn trên đỉnh tam giác nhà rông, đầu "giàn trận".
Một buổi tối xa xăm thời đôi mươi, tôi đã được nghe một điệu Ka lêu Ka choi[1] cất lên trong khuya khoắt. Tiếng hát vén đám mây khỏi mặt trăng, vén nỗi buồn khỏi vầng trán người già, vén tóc mai khỏi vành tai thiếu nữ. Tôi và đám bạn sinh viên đang tuổi đói cơm thèm chữ thuở ấy ngồi ngẩn ngơ: Sao ở tận ngách núi con con chừng này mà có tiếng hát cuốn trái tim mình lên mây như thế?
Vậy nên, bây giờ quay lại, một tay níu vào mây, tôi nói với An Lão mình rất thèm nghe một giai điệu cũ.
Trần Thị Huyền Trang
[1] Ka lêu Ka choi: tên một điệu dân ca H’re