Ðền thờ danh nhân văn hóa Ðào Tấn: Cần tạo thêm sức hút
Ðền thờ danh nhân văn hóa Ðào Tấn, xây dựng quy mô trên quê hương của bậc hậu tổ tuồng (thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), được khánh thành vào giữa tháng 8.2016. Sự kiện này khiến không chỉ người dân địa phương vui mừng, mà cả những người quan tâm đến văn hóa nước nhà nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng cũng hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để phát huy giá trị, ý nghĩa của Ðền thờ đang được đặt ra.
Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn được kỳ vọng sẽ là một điểm đến của du lịch văn hóa. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào hoạt động, lượng khách đến thăm viếng Đền thờ còn khá ít, chủ yếu là người trong tỉnh.
Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn chưa thu hút được nhiều khách thăm viếng.
1.
Đền thờ hiện đang được 2 bảo vệ là người địa phương thay phiên nhau coi sóc. “Khách đến viếng thăm Đền thờ, chủ yếu là các hội, đoàn thể, học sinh, giáo viên trong tỉnh, con cháu họ Đào ở xa về, nhưng cũng thỉnh thoảng mới có. Từ khi khánh thành Đền thờ đến nay, chưa thấy có đoàn khách nào đông, khách quốc tế cũng chưa...” - ông Trần Duy Thọ, người bảo vệ Đền thờ, thật thà cho biết.
“Tổ chức các hoạt động góp phần phát huy giá trị công trình Ðền thờ danh nhân văn hóa Ðào Tấn là hết sức cần thiết. Trong Ðề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội và bài chòi trên địa bàn tỉnh năm 2020, có nhiệm vụ về tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu di sản; gắn kết phát huy giá trị nghệ thuật tuồng với hoạt động phát triển du lịch..., nên khi triển khai thực hiện, cần có sự phối hợp, hỗ trợ tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên đề về nghệ thuật tuồng, biểu diễn phục vụ, liên hoan tuồng... tại khu vực Ðền thờ, với sự tham gia của Nhà hát tuồng Ðào Tấn, Chi hội Sân khấu Bình Ðịnh, các đoàn tuồng không chuyên.”
Ông NGUYỄN AN PHA - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Do chưa có nhà trưng bày riêng, những tư liệu, hiện vật liên quan đến thân thế và sự nghiệp danh nhân Đào Tấn được bố trí trưng bày ngay trong khu nhà chính của Đền thờ. Và vì chưa có thuyết minh viên túc trực, nên đoàn khách nào có nhu cầu hướng dẫn khi tham quan phải liên hệ trước, để Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước sắp xếp cử người của đơn vị đến phục vụ, hoặc mời thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng trưng bày và Tuyên truyền của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chia sẻ: Bảo tàng hỗ trợ thực hiện trưng bày hiện vật, tư liệu có giá trị tại Đền thờ Đào Tấn. Tôi cũng đã ba lần đến thuyết minh tại đây. Đối với những danh nhân có nhiều cống hiến lớn lao như cụ Đào, hoàn toàn có thể phát huy trên nhiều khía cạnh để tạo sự cuốn hút khi giới thiệu, quảng bá, hấp dẫn người ta đến. Vì vậy, cùng với việc tăng cường quảng bá, tôi nghĩ nên bố trí thuyết minh viên túc trực ở Đền thờ để phục vụ khách kịp thời....
2.
Để phát huy được giá trị Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn, cần có thêm những chương trình biểu diễn góp phần bảo tồn, quảng bá nghệ thuật tuồng nói chung và nghệ thuật tuồng Bình Định nói riêng.
Đền thờ có khoảng sân rộng rãi, khang trang, thích hợp cho việc biểu diễn tuồng, trưng bày triển lãm, nhưng gần một năm qua, tại đây mới chỉ có một vài hoạt động biểu diễn hát lễ. Cần có kế hoạch, ý tưởng kết nối giữa các địa phương, đơn vị liên quan để tổ chức các hoạt động đa dạng.
Chẳng hạn như Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn được Sở VH-TT tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 tại TP Quy Nhơn, được sự hưởng ứng rất tích cực của các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh. Nếu Liên hoan này tiếp tục được tổ chức, có lẽ nên bố trí để một phần Liên hoan diễn ra ở đây.
Cũng có thể tổ chức tại Đền thờ các hoạt động trưng bày trang phục, mặt nạ tuồng, trình diễn minh họa gắn với các nhân vật tiêu biểu trong các vở tuồng kinh điển của Đào Tấn; hay triển lãm ảnh khai thác các đề tài về nghệ thuật tuồng... Điều này không phải là khó nếu nhận được sự ủng hộ của Chi hội Sân khấu, Chi hội Nhiếp ảnh (thuộc Hội VHNT tỉnh), Nhà hát tuồng Đào Tấn, các đoàn tuồng không chuyên...
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Trung tâm sẽ đề xuất UBND huyện cho tuyển dụng, đào tạo thuyết minh viên túc trực giới thiệu tại Đền thờ. Trong thực hiện Kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, sẽ thành lập đội tuồng không chuyên biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm viếng nơi đây. Chúng tôi cũng đang xem xét việc đề xuất tổ chức liên hoan các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh ở khu vực Đền thờ, nếu nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Sở VH-TT và các đơn vị liên quan...”.
HOÀI THU