Mỹ Chánh (Phù Mỹ): Niềm vui có nhà mới trước mùa mưa lũ
Những vết tích của trận lũ lịch sử cuối năm 2016 chưa hẳn xóa sạch, song cuộc sống của người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) đã trở lại bình thường. Những ao nuôi đã đầy ắp cá, tôm; đồng lúa trở lại một màu xanh mướt. Và niềm vui đã lớn dần lên trong những ngôi nhà mới được xây dựng lại, từ sự quan tâm của Nhà nước, các cấp chính quyền và “Mạnh Thường Quân”.
Niềm vui của gia đình anh Phan Văn Sơn trong ngôi nhà mới.
Chúng tôi không thể diễn tả được hết niềm vui, sự phấn khởi của gia đình ông Dương Thanh Điền (thôn Lương Thái, xã Mỹ Chánh) khi dọn về ngôi nhà mới xây từ sự hỗ trợ của Nhà nước và các “Mạnh Thường Quân”. Ngôi nhà rộng 110m2, khánh thành ngày 5.7. Ông Điền nói: “Từ nay, vợ chồng con cái không phải sống trong lều tạm, nắng nóng như thiêu đốt, mưa ướt như chuột lột”. Cơn lũ dữ đi qua đã kéo trôi ngôi nhà và tài sản của gia đình ông, 2 vợ chồng chỉ kịp đưa con chạy lũ. Được địa phương cấp đất, Nhà nước hỗ trợ thêm 100 triệu đồng và sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, cô bác láng giềng, vợ chồng ông cố gắng vay thêm tiền để làm nhà đổ bê tông, có gác lỡ cho chắc chắn, phòng khi có lũ cả nhà còn có nơi trú ngụ.
Tại khu tái định cư ở thôn An Xuyên 1, có 8 ngôi nhà vừa được xây dựng xong, liền kề nhau. Nhà không bề thế nhưng cao ráo và chắc chắn. Đây là nơi ở mới của 8 hộ dân ở xóm Xuyên Cỏ, thôn An Xuyên 3, bị nước lũ cuốn trôi nhà cuối năm ngoái.
Anh Phan Văn Sơn (34 tuổi) đang vui đùa bên vợ và hai con trong nhà mới, cởi mở: “Nhờ chính quyền các cấp hỗ trợ, giúp đỡ nên từ nay vợ chồng, con cái không còn sống cảnh ăn nhờ ở đậu, hết nhà ngoại đến nhà cô bác họ hàng nữa”. Nhắc chuyện cũ, anh Sơn còn hãi hùng. Thời điểm lũ về, vợ anh mới sinh con hơn 10 ngày. Bên ngoài trời tối đen như mực. Hai vợ chồng chỉ kịp bồng con bỏ lên thùng xốp kéo đi. Cũng may là mọi người đều bình an. Nhưng căn nhà vợ chồng tích cóp xây dựng mới được 6 năm cùng ao nuôi tôm - nguồn kinh tế chính của gia đình - trôi tuột theo dòng nước lũ. “Được địa phương cấp đất và các cấp hỗ trợ, trước mùa mưa năm nay vợ chồng tôi cất được ngôi nhà mới rộng 80m2, có 3 phòng, nên rất phấn khởi. Giờ an cư rồi mới tính chuyện làm kinh tế”, anh Sơn trải lòng.
Còn tại thôn Đông An, bà Nguyễn Thị Dầy (83 tuổi) và con trai bị bệnh tâm thần cũng đã dọn vào ngôi nhà mới được hơn 2 tháng. Bà Dầy xúc động nói: “Tui mừng lắm. Nhà bị sập, tui cứ nghĩ từ nay phải sống cảnh màn trời, chiếu đất, chứ đâu có tiền mà dựng lại nhà. Vậy mà, được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, rồi các nhà hảo tâm cho đôi ba chục nữa, hai mẹ con dựng được cái nhà nho nhỏ này. Mẹ con tui xin cảm ơn!”.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: 19 ngôi nhà bị trôi, sập do lũ lụt cuối năm 2016 trên địa bàn xã đã được xây dựng mới hoàn toàn. Nhà cao nhất được đầu tư xây dựng khoảng 350 triệu đồng, thấp nhất 70 triệu đồng. Đối với 11 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn ở thôn An Xuyên 3 và thôn Lương Thái, mỗi nhà được Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng. Trong 8 nhà bị sập ở thôn An Xuyên 3, thôn Đông An, Chánh An, Lương Thái và An Hoang, có 6 nhà được Ngân hàng ĐT&PT Việt Nam và Ngân hàng Công thương Bình Định hỗ trợ mỗi nhà 50 triệu đồng; 2 nhà còn lại được hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, địa phương đã cấp cho mỗi hộ có nhà bị trôi từ 120 - 170 m2 đất để xây dựng nhà ở mới.
Tuy vậy, các hộ dân có nhà ở bị sập được Nhà nước hỗ trợ mức từ 30 - 50 triệu đồng/nhà để xây dựng nhà mới, dù đã hoàn thành nhưng vẫn chưa nhận được tiền để trả nợ vật tư, công cán. Bà Dầy lo lắng: “Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thì cố gắng hỗ trợ sớm để tui trả nợ người ta, chứ tui lớn tuổi rồi, biết sống được bao lâu”.
Đó cũng là mong mỏi chung của những hộ dân cùng hoàn cảnh.
THANH TRỌN- XUÂN LỘC