Tây Sơn: Cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả sản xuất cao
Ðầu năm 2017 đến nay, huyện Tây Sơn đã thực hiện 9 cánh đồng mẫu lớn (CÐML) sản xuất lúa, đậu phụng và mía, tổng diện tích trên 466 ha, có 2.605 hộ tham gia, đạt kết quả khả quan.
Nông dân Tây Sơn tham quan CĐML sản xuất đậu phụng ở xã Bình Tân. Ảnh: HOÀNG CHI
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2016-2017, xã Tây Bình thực hiện 2 CĐML sản xuất lúa, với diện tích 108 ha (50 ha lúa thuần TBR 1 và 58 ha lúa lai Nhị ưu 838, CT 16), 619 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 73,1 tạ/ha. Xã Tây An thực hiện 1 CĐML sản xuất lúa thuần VTNA 2 diện tích 100 ha, có 600 hộ tham gia, năng suất bình quân đạt 72 tạ/ha. Nhìn chung, CĐML sản xuất lúa vụ ĐX đạt năng suất cao hơn 3-4 tạ/ha so với sản xuất đại trà cùng vụ.
Ở vụ Thu 2017, xã Tây Bình thực hiện 2 CĐML sản xuất lúa, diện tích 110 ha (50 ha lúa thuần TBR 1 và 60 ha lúa lai Nhị ưu 838, CT 16), có 650 hộ tham gia. Xã Tây An thực hiện 1 CĐML lúa lai Nhị ưu 838, diện tích 100 ha, 600 hộ tham gia.
Ngoài CĐML sản xuất lúa, vụ ĐX vừa qua, xã Bình Thuận thực hiện 1 CĐML trồng đậu phụng trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích 20 ha, 98 hộ tham gia; được tỉnh và huyện hỗ trợ 60% giá giống, dự án SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) hỗ trợ phân mụn dừa, vôi hạt, chế phẩm Trichoderma... Kết quả mô hình cho năng suất bình quân 33,6 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 2,9 tạ/ha, lợi nhuận trên 1,8 triệu đồng/sào, cao hơn ngoài mô hình 20,5%.
Riêng 2 xã Tây Thuận và Tây Giang được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ xây dựng 2 mô hình CĐML sản xuất mía với diện tích 28,2 ha, có 38 hộ tham gia (Tây Thuận 24,5 ha có 33 hộ và Tây Giang 3,7 ha, có 5 hộ); mô hình triển khai trồng từ ngày 20.3.2017, kết thúc trồng ngày 21.5.2017 với hai giống mía mới K9584 và Uthong 11. Chính sách đầu tư của nhà máy là cơ giới hóa khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc, thu hoạch mía bằng máy liên hợp và giảm 20% giá các khâu dịch vụ so với đầu tư đại trà; hỗ trợ nông dân nhận tiền mặt không tính lãi suất 13 triệu đồng/ha để mua giống mía; cho nợ 800 kg/ha phân NPK Việt Nhật. Tất cả các khâu dịch vụ, tiền mua giống mía, phân bón, cuối vụ thu hoạch mía nông dân thanh toán cho Nhà máy. Nhà máy cũng đã ký hợp đồng bảo hiểm giá mua mía nguyên liệu cho nông dân 900 đồng/kg.
Theo ông Hồ Thành Phi, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, hầu hết các CĐML sản xuất lúa áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo hướng giảm chi phí hợp lý, lợi nhuận tăng do nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm. CĐML được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện cũng đã tăng cường mối liên kết 4 nhà và cầu nối giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, trong việc chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, góp phần thay đổi một số tập quán sản xuất chưa phù hợp của nông dân, giúp tăng năng suất, giảm chi phí, đạt hiệu quả tích cực về mặt xã hội và hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Thời gian tới huyện Tây Sơn tiếp tục nhân rộng các mô hình CĐML.
HOÀNG CHI