Thông tin thêm về 12 dự án thua lỗ
Sáng 14.7, Bộ Công Thương họp báo về việc xử lý 12 dự án nghìn tỷ đang “đắp chiếu” của ngành.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi thực hiện nhiều giải pháp, đến thời điểm này một số dự án ban đầu đã có chuyển biến rất tốt, đặc biệt là nhóm dự án phân bón hiện đã sản xuất trở lại và có hiệu quả.
Còn dự án thép (Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và Nhà máy Gang thép Lào Cai), sau một thời gian triển khai các biện pháp xử lý, đến nay đã có chuyển biến tích cực.
Với Nhà máy Bột giấy Phương Nam, cơ quan chức năng đã lên phương án tổ chức bán đấu giá tài sản và toàn bộ hàng hóa tồn kho của Nhà máy này.
Về quan điểm xử lý của Bộ Công Thương, ông Hưng cho hay thời gian tới các dự án trên sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt, giải quyết các vướng mắc khó khăn, bảo đảm đúng nguyên tắc và mục tiêu là làm cho các dự án này tốt lên trước khi xem xét thoái vốn hay bán vốn Nhà nước.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư, trực tiếp là các nhà máy trên phải nâng cao hiệu quả thông qua công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với 4 nhà máy sản xuất đạm, phân bón (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng), lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu từng phân xưởng phải tiết giảm chi phí quản lý, chi phí kinh doanh.
“Trong tháng 7, Bộ sẽ trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Đề án chính thức để xử lý các dự án. Nhưng quan điểm sẽ là cho dù phương án cuối cùng thế nào thì hàng ngày vẫn tập trung xử lý để các dự án tốt lên”, ông Dương Duy Hưng nói.
Đề án thoái vốn của Habeco, Sabeco sẽ trình Chính phủ vào tuần tới
Liên quan đến công tác thoái vốn tại Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà nội (Habeco) và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho biết Bộ đang thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn tại DNNN phải đảm bảo phải công khai minh bạch và chống lợi ích nhóm.
Đến nay, Habeco đã ký hợp đồng tư vấn về giải pháp và thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai với liên doanh của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt và Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC). Habeco đang hoàn thiện tờ trình về phương án thoái vốn để trình Bộ Công Thương trong tuần tới.
Đối với Sabeco, Công ty này đã ký hợp đồng tư vấn, giải pháp và thoái vốn với đơn vị tư vấn theo hình thức đấu thầu rộng rãi - đó là liên danh giữa Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Ernst & Young và Công ty CP Thông tin & Định giá Việt Nam (VietValue).
Các đơn vị đang xây dựng phương án thoái vốn để trình Bộ Công Thương trước ngày 31.7.2017.
Ông Thắng cho biết sau khi được sự đồng ý của Chính phủ về phương án thoái vốn tại Habeco và Sabeco, Bộ Công Thương sẽ triển khai bán vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này, dự kiến trong năm 2017.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, Bộ sẽ có báo cáo cụ thể về đề án thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco Tới thường trực Chính phủ vào tuần tới.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)