Áp dụng phương pháp cấy chỉ trong điều trị bệnh: Ðem lại hiệu quả cao, nhiều tiện ích
Với việc đưa vào thực hiện phương pháp cấy chỉ trong điều trị bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Ðịnh đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giúp bệnh nhân giảm thời gian và chi phí điều trị một số loại bệnh.
Phương pháp cấy chỉ đã được áp dụng ở Việt Nam và một số nước khác từ hàng chục năm qua, nhưng đến đầu năm 2017, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh mới có đủ các điều kiện cơ sở vật chất để chính thức triển khai.
Phát triển “kỹ thuật mới”
Theo bác sĩ CK II Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh, là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đầu năm 2015, Bệnh viện YHCT tỉnh cử một số cán bộ, bác sĩ ra Bệnh viện Châm cứu Trung ương học tập, tập huấn phương pháp cấy chỉ. Sau đó, cán bộ Bệnh viện Châm cứu Trung ương vào khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết; trực tiếp cử bác sĩ vào cùng thực hiện kỹ thuật cấy chỉ, cho đến khi các bác sĩ Bệnh viện YHCT tỉnh thành thạo kỹ thuật này. Đến nay, tất cả bác sĩ ở Bệnh viện YHCT tỉnh đã được tập huấn phương pháp cấy chỉ. Dù vậy, hiện kỹ thuật này chỉ được thực hiện tại Khoa Châm cứu - Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng, chủ yếu dành cho bệnh nhân sắp ra viện để duy trì tác dụng điều trị chứ chưa áp dụng rộng rãi. Nhưng định hướng của Bệnh viện YHCT tỉnh là mỗi khoa của bệnh viện đều có phòng cấy chỉ riêng.
Bà Nguyễn Thị Chờ (ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh) được cấy chỉ để điều trị bệnh viêm đa khớp.
Phương pháp cấy chỉ có thể điều trị được rất nhiều loại bệnh, nhưng hiện ở Bệnh viện YHCT tỉnh chủ yếu phục vụ điều trị bệnh nhân liệt do di chứng tai biến mạch máu não. Vì số lượng nhân lực và trang thiết bị chưa đủ đáp ứng nên bước đầu chỉ thực hiện các ca nội trú. Một trong những ưu điểm của phương pháp cấy chỉ vào huyệt làm tăng hiệu quả trong điều trị và phục hồi chức năng là một lần cấy chỉ mất vài phút, khoảng cách giữa 2 lần là 2-3 tuần, người bệnh không cần nằm viện và có thể điều trị nhiều bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, phương pháp này hầu như không gây phản ứng phụ do không dùng thuốc.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Trí Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh, cho biết, phương pháp cấy chỉ có nhiều ưu điểm như: rất phù hợp với những người không có thời gian châm cứu hàng ngày hoặc sợ đau khi châm cứu; có ưu thế hơn so với phương pháp châm cứu ở một số bệnh nhờ kiểm soát liên tục các huyệt, đơn cử như bệnh hen phế quản; những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ có thể trở lại làm việc bình thường sau khi được cấy chỉ, không mất thời gian đến bệnh viện châm cứu hàng ngày; khi cấy chỉ không cần dùng thêm các loại thuốc khác đưa vào cơ thể; chi phí ít tốn kém hơn so với châm cứu (mỗi lần cấy chỉ duy trì được khoảng 2-3 tuần, nhưng chi phí chỉ bằng khoảng 2 lần châm cứu).
Ông Châu Thành Sang (SN 1956, ở Bình Tường, Tây Sơn) đang điều trị viêm khớp dạng thấp tại Bệnh viện YHCT tỉnh, cho hay: “Tôi bị bệnh này đã 4 năm qua, mỗi năm đều phải nằm ở Bệnh viện YHCT tỉnh khoảng 1 tháng để châm cứu, chích thuốc. Hiện nay bệnh tình có phần thuyên giảm, các khớp đã bớt nhức, có thể lao động nhẹ. Qua nghe tư vấn thấy phương pháp cấy chỉ có nhiều điểm tiện lợi nên tôi đồng ý thực hiện. Tôi thấy việc cấy chỉ cũng nhanh chóng và không đau hơn so với châm cứu, lại tiện lợi với người ở xa như tôi. Bác sĩ bảo tôi có thể xuất viện ngay chiều nay, dặn kiêng ăn một vài món trong khoảng một tuần”.
Sự cố được cảnh báo sau khi thực hiện phương pháp cấy chỉ ở bệnh nhân là có thể gây nhiễm trùng tại chỗ (đây là tai biến đáng ngại nhất) nếu kiểm soát vô trùng không tốt. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có thể có biểu hiện dị ứng khi đưa vật lạ vào cơ thể, nhưng trong số những ca đã thực hiện tại Bệnh viện YHCT đều chưa gặp bất kỳ sự cố nào.
Cấy chỉ (chôn chỉ) vào huyệt là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, kết hợp giữa Ðông y và Tây y, trên nền tảng châm cứu của Ðông y.
Phương pháp này dùng dụng cụ đưa chỉ catgut (có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định) vào huyệt vị, sự tồn lưu của chỉ tại huyệt trong thời gian đó đã phát huy vai trò kích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, giảm đau...
Vì vậy, cấy chỉ catgut góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ, làm tăng sinh lưới mao mạch, lưu thông máu trong lòng mạch ở các chi thể, kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể.
LÊ CƯỜNG