Phòng các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng
Khi thời tiết nắng nóng, đặc biệt là độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, tấn công và gây bệnh. Vì vậy, những ngày nhiệt độ lên cao, mọi người nên chú ý bảo vệ sức khỏe, nhất là với đối tượng có sức đề kháng yếu - đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.
BSCKII. Phạm Châu Duy, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BVÐK tỉnh), cho biết: “Gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận điều trị hơn 10 bệnh nhân. Trong đó, bệnh sốt xuất huyết Dengue chiếm gần một nửa, bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ em cho đến người trưởng thành. Tiếp đến là những bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm, kế đó là bệnh tay chân miệng, thủy đậu. Ðáng quan ngại là một số ít bệnh nhân nhập viện trễ, do ở nhà tự mua thuốc uống, điều trị ngoài… nên khi vào viện bệnh đã nặng, nguy hiểm đến tính mạng”.
Ðể phòng bệnh, cần phải biết các triệu chứng của bệnh, phát hiện sớm, đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời. Ví dụ, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt rất cao, xuất huyết dưới da hay chảy máu chân răng, máu mũi. Khi mắc bệnh tiêu chảy cấp, bệnh nhân có những cơn đau bụng, đi cầu phân lỏng nhiều lần; khi bị ngộ độc thức ăn thì người bệnh hay bị nôn mửa, đau bụng, đi cầu lỏng…
Ðể phòng bệnh, mọi người nên giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để nước tù đọng tạo điều kiện cho muỗi phát triển, đi ngủ phải mắc màn, vệ sinh tay bằng xà phòng sát khuẩn trước và sau khi ăn hay sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc hay bị hư thiu, và uống đủ nước.
Ðối với trẻ em, cha mẹ cần tập cho trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân tốt, như rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Mọi người nên đi tiêm phòng vắc xin để phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm.
THÙY VY (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)