Cho vay theo Nghị định 67/CP: Cần bổ sung, hoàn thiện các quy định, có giải pháp thực hiện phù hợp
Bình Ðịnh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác cho vay theo tinh thần Nghị định (NÐ) 67/CP. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đã nảy sinh những khó khăn, bất cập. Cần làm gì để tiếp tục thực hiện có hiệu quả NÐ 67/CP là vấn đề đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) và ngư dân quan tâm.
Ông Phan Phú Hải, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Định cho biết:
Ông Phan Phú Hải
- Thực hiện NĐ 67/CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phân cho tỉnh Bình Định chỉ tiêu đóng mới 280 tàu khai thác thủy sản và 25 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện NĐ 67/CP trên địa bàn. Tính đến 30.6.2017, UBND tỉnh đã phê duyệt 299 hồ sơ vay vốn đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67/CP.
Đồng thời, NHNN Chi nhánh tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NĐ 67/CP và triển khai đến các NHTM Nhà nước trên địa bàn. Kết quả, đến 30.6.2017 các NHTM Nhà nước đã ký hợp đồng tín dụng với 59 khách hàng với tổng số tiền cam kết cho vay gần 894 tỉ đồng để đóng mới tàu cá, và đã giải ngân 56 hợp đồng với số tiền gần 823,4 tỉ đồng. Dư nợ cho vay gần 819 tỉ đồng. Có thể nói, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện NĐ 67/CP.
* Nhưng vì sao dư luận vẫn cho rằng việc cho vay theo NĐ 67/CP ở Bình Định là khá chậm?
- Đúng là cũng có tình trạng đó. Vì trong số 299 ngư dân được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, hiện mới chỉ có 59 ngư dân được ký kết hợp đồng tín dụng, 12 ngư dân có đơn xin rút không tham gia NĐ 67/CP, NHTM từ chối cho vay 11 trường hợp. Còn lại khoảng hơn 200 trường hợp, các NHTM chưa nhận được hồ sơ hoặc nhận chưa đủ hồ sơ cần thiết để có cơ sở thẩm định.
Theo tôi, sự chậm trễ nói trên có nhiều nguyên nhân. Một số ngư dân đăng ký tham gia NĐ 67/CP chưa xuất phát từ điều kiện thực tế, đóng mới tàu công suất lớn vượt quá khả năng và kinh nghiệm quản lý; khả năng tích lũy nguồn tài chính hạn chế nên không huy động đủ vốn đối ứng. Về phía các NHTM, là doanh nghiệp kinh doanh tài chính, tiền tệ nên họ thận trọng trong cho vay là đương nhiên. Có điều, cũng vì muốn bảo toàn vốn, các NHTM yêu cầu hồ sơ phải đúng thủ tục nên đôi lúc thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, gây bức xúc không đáng có trong ngư dân.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương, nhất là cấp xã, thời gian qua cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền các chính sách của NĐ 67/CP đến ngư dân, trong đó có điều kiện tham gia chương trình. Điều này đã gây khó khăn cho Ban chỉ đạo tỉnh và cả ngành ngân hàng trong việc thẩm định, xét duyệt cho vay…
* Được biết, Chi nhánh BIDV Phú Tài là NHTM đi đầu trong việc thực hiện cho vay theo NĐ 67/CP trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, lại cũng có một số thông tin trái chiều?
- Trong số 46 tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh, có 36 tàu được vay vốn của Chi nhánh BIDV Phú Tài. Đáng tiếc là thời gian gần đây, từ sự cố tàu vỏ thép bị hư hỏng do một số doanh nghiệp đóng tàu gây ra đã làm “liên lụy” đến BIDV Phú Tài; trong đó có cả những tin thất thiệt.
Tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP bị hư hỏng chờ sửa chữa ở Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan.
Thông tin cho rằng BIDV Phú Tài gây khó dễ với ngư dân là không chuẩn xác. Bởi lẽ, BIDV Phú Tài là NHTM đi tiên phong trong việc cho vay theo NĐ 67/CP thì không lẽ lại làm khó dễ ngư dân? Cần biết rằng, gần 60% ngư dân có tên trong danh sách được UBND tỉnh phê duyệt đều đăng ký vay vốn tại BIDV Phú Tài.
Còn việc “chỉ định đơn vị đóng tàu” là không có cơ sở. Ngay từ đầu, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các NHTM để ngư dân tự lựa chọn và quyết định cơ sở đóng tàu theo danh sách mà Bộ NN&PTNT thông báo.
* Chủ trương của Chính phủ là đúng đắn, song thực tế triển khai NĐ 67/CP vẫn còn không ít bất cập. Theo ông, cần khắc phục những điểm nào để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương lớn này?
- Cần khẳng định rằng, chủ trương của Chính phủ qua NĐ 67/CP là rất đúng đắn, song qua 3 năm triển khai thực hiện đã “lộ” ra những khó khăn, bất cập trong thực hiện đồng bộ các chính sách về tín dụng, hạ tầng, bảo hiểm, đào tạo nhân lực...
Lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh đã nắm bắt được “tâm tư” của lãnh đạo các NHTM trên địa bàn. Vì vậy, thời gian tới, để việc triển khai NĐ 67/CP đạt hiệu quả, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tham khảo ý kiến của NHNN và các NHTM tham gia. Cần rà soát, chấn chỉnh những hạn chế, khó khăn, bất cập, nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh các quy định liên quan và đề ra những giải pháp phù hợp, thiết thực.
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ vay theo NĐ 67/CP do nguyên nhân khách quan khác như: Doanh nghiệp đóng tàu không giao tàu theo đúng thời hạn trong hợp đồng đã ký kết; giao tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp nên ngư dân phải tốn thời gian và chi phí để sửa chữa tàu, kéo dài thêm thời gian ra khơi; do diễn biến bất thường của khí hậu, ngư trường khai thác, nên phương án khai thác không đúng như kế hoạch ban đầu... Đồng thời, cần có cơ chế phân loại nợ và xử lý rủi ro riêng cho các khoản vay theo NĐ 67/CP.
Về phía tỉnh, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cơ sở hạ tầng nghề cá. Ngành NN&PTNT cần phối hợp với các cơ sở đóng tàu hướng dẫn ngư dân cách vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị trên tàu và kịp thời khắc phục, sửa chữa hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận hành, khai thác do lỗi của cơ sở đóng tàu.
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)