Thực học - thực nghiệp!
Kết quả điểm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, theo hình thức thi mới lần đầu tiên được tổ chức, đã khiến nhiều người lo lắng trước đó thở phào nhẹ nhõm. Với mặt bằng điểm số cao hơn các năm trước, tỉ lệ tốt nghiệp của các địa phương trong cả nước đều tăng cao, đạt từ trên 90% cho đến trên 99%. Đặc biệt hơn, kỳ thi năm nay đã tạo nên một “cơn mưa điểm 10” ở các môn thi mà số liệu thống kê xác định tăng tới… 60 lần so với kỳ thi này của năm học trước.
Hiện nay, các học sinh đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp đang chuẩn bị chọn trường, chọn ngành để tham dự xét tuyển vào đại học. Do mặt bằng điểm thi cao hơn nên điểm sàn xét tuyển đại học năm nay cũng được nâng lên mức 15,5 điểm, cao hơn mức điểm sàn năm trước 0,5 điểm. Tuy một tháng nữa các trường đại học mới công bố kết quả xét tuyển đợt 1 nhưng dự báo là khả năng trúng tuyển vào các trường của thí sinh cũng không quá khác biệt so với năm trước vì mặt bằng điểm dự xét cũng cao hơn tương ứng.
Kết quả thi tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học là sự phản ánh, đúng hơn là một sự đánh giá tương đối khách quan, toàn diện của cả một quá trình dạy và học ở bậc học phổ thông. Đó cũng là thước đo để lượng hóa không chỉ sự cố gắng của học sinh, thầy cô giáo trong việc dạy và học, mà còn là sự phản ánh khái quát về bức tranh giáo dục phổ thông của nền giáo dục nước nhà. Với kết quả kỳ thi năm nay, khi tỉ lệ tốt nghiệp và số điểm 10 tăng cao, dư luận vẫn cho rằng kết quả này chưa đủ để khẳng định giáo dục phổ thông đã thực sự nâng cao về chất lượng. Lý do là kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi về cách thi, khối lượng kiến thức thi cũng “nhẹ” hơn năm trước nên chưa thể lấy kết quả này làm thước đo đánh giá chất lượng của cả một nền giáo dục.
Sau tốt nghiệp trung học phổ thông hàng triệu học sinh đang đứng trước “cánh cửa cuộc đời” với nhiều ngã rẽ để lựa chọn. Học tiếp đại học hay học nghề là con đường các em sẽ phải lựa chọn để phù hợp nhất với khả năng, điều kiện của bản thân và gia đình, từ đó chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất xây dựng cuộc sống tương lai.
Thực tế việc học đại học bằng bất cứ giá nào dẫn đến việc hàng chục ngàn cử nhân thất nghiệp là bài học để các em học sinh lựa chọn con đường đi tiếp sau bậc học phổ thông. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo chuyện học hành ngày nay cần có sự thay đổi theo định hướng “thực học - thực nghiệp”, học thật và làm thật, chứ không chỉ để lấy bằng. Vấn đề cốt lõi phải quan tâm đó là chọn học ngành gì, nghề gì có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của thị trường lao động đang đòi hỏi. Vì vậy, chỉ khi mỗi người có sự lựa chọn đúng - với mình và với xã hội - thì khi ra trường mới có đầy đủ kiến thức để làm việc, xây dựng cuộc sống bản thân và cống hiến cho xã hội một cách tốt nhất.
H.Đ