Làm giàu từ nghề truyền thống
Đó là ông Nguyễn Văn Tân, ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn). Tham gia quân đội từ năm 1979, đến năm 1984 phục viên về địa phương, có trong tay nghề truyền thống học được từ ông ngoại, ông Tân phát triển kinh tế gia đình bằng cách mở cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ.
Ông Nguyễn Văn Tân với sản phẩm đồ thờ. Ảnh: X.THỨC
Lúc đầu không có vốn và chưa có điện cũng như chưa có máy móc nên ông chỉ làm thủ công, chuyên các mặt hàng chạm trỗ, đồ thờ. Đầu năm 2000, khi điện lưới quốc gia về địa phương, ông Tân vay vốn Quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Thành hơn 120 triệu đồng, đầu tư đầy đủ các máy cưa, cắt, đục, bào, tiện… cơ giới hóa từng công đoạn sản xuất và nhận sản xuất đa dạng các sản phẩm thị trường có nhu cầu. Cơ sở của ông giải quyết việc làm cho 11 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng đối với thợ tiện, và 3 triệu đồng/người/tháng đối với thợ chà nhám.
Ông Tân bộc bạch: “Nhờ đa dạng hóa sản phẩm đồ gỗ cơ sở nên thu hút được lượng lớn khách hàng trong Nam, ngoài Bắc và cả Tây Nguyên. Nhất là những tháng cận Tết, các mặc hàng đồ thờ, lọ hoa, khay đựng bánh mứt… bán rất chạy, phải kêu thêm thợ về làm”.
Từ tâm huyết với nghề truyền thống mà cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Tân ngày càng “ăn nên làm ra”, bản thân ông được công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp thị xã, gia đình đạt gia đình văn hóa nhiều năm liền. Ông Tân cho biết: Trong thời gian tới, ông tiếp tục cải tiến sản xuất đồ thờ, thu hút thêm lao động, nhất là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào làm, vừa truyền nghề, vừa tạo việc làm, giúp cơ sở phát triển mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống bền vững.
XUÂN THỨC