HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947 - 27.7.2017):
“Chất lính” giữa đời thường
Hòa bình, người lính trở về quê hương, mỗi người một hoàn cảnh, một lựa chọn. Song, lại giao nhau ở “chất lính” kiên trung, nghị lực trong lao động, xây dựng quê hương và tinh thần sẵn lòng vì nghĩa tình đồng đội.
Cho gia đình, quê hương
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Trí Dũng (62 tuổi, ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, TX An Nhơn) tham gia cách mạng từ khi còn rất nhỏ. Từ lực lượng mật địa phương, ông trở thành Bí thư kiêm Đội trưởng đội công tác xã. Sau giải phóng, ông là Phó Bí thư Huyện Đoàn An Nhơn. Đến năm 1977, rời vị trí công tác, ông trở về đời thường, tiếp tục chiến đấu chống lại đói, nghèo. Sau 20 năm vác ba lô đi làm xa nhà với đủ thứ nghề để chăm lo cho gia đình, ông mới quyết định dừng chân, học nghề trồng mai xuân từ một người họ hàng cũng là bạn chiến đấu lâu năm.
Ghi ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Hầu như mọi người lính đều gìn giữ và treo chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà như một cách thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, lời hứa trung kiên với sự nghiệp cách mạng. Nhưng thương binh Trần Thanh Bình còn làm nhiều hơn thế, ông lập bàn thờ riêng cho Chủ tịch và Ðại tướng.
Thương binh Trần Thanh Bình lập bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà.
Năm 2011, nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan trong tỉnh, tôi cất lại ngôi nhà. Khi cơ ngơi rộng rãi và tươm tất hơn, tôi quyết định thờ Bác như một cách thể hiện lòng thành kính của mình. Ðến năm 2013, tôi thờ thêm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp khi người qua đời cũng với lý do tương tự!”, ông Bình chia sẻ.
“Thời đó, số người trồng mai không nhiều như bây giờ. Quy mô trồng cũng nhỏ lẻ hơn. Tôi tự đúc chậu, mua cây giống về trồng, vừa làm, vừa nghiên cứu; rồi phát hiện mình cũng say mê cây, cũng có tay chăm cây. Lăn lộn với số cây quanh năm suốt tháng, đến năm 2006, gia đình tôi bán được lứa mai đầu tiên. Tiếp tục dành dụm, tái đầu tư, đến năm 2011, tôi cất được ngôi nhà tươm tất”, ông Dũng nhớ lại.
Hiện, ông Dũng đang sở hữu vườn mai khoảng 800 cây. Bình quân, mỗi năm, ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ vực lại kinh tế gia đình bằng nghề trồng mai, ở vị trí là Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An, ông Dũng còn cùng với hội viên nỗ lực giữ gìn thương hiệu “Mai vàng Nhơn An”.
Trong khi đó, thương binh Nguyễn Thanh Phi (67 tuổi, ở thôn An Nông, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) lại nổi bật với những đóng góp cho địa phương. Từng là Đại đội trưởng Đại đội Biệt động thành TX Quy Nhơn, bị địch bắt tù đày, rồi được rút về làm làm giáo viên kỹ - chiến thuật tại Trường Đặc công biệt động 586 (Quân khu V), sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, ông Phi mang trên mình nhiều vết thương. Thế nhưng, ở vị trí nào, ông đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Năm 1992, An Nông chưa có điện, chưa có đường bê tông, ai cũng mong có hai thứ này, nhưng khi có chủ trương thực hiện lại không đơn giản. Ông Phi kể: “Vì số hộ dân ít nên trung bình mỗi nhà phải góp tới 750 ngàn đồng. Đây là số tiền không nhỏ ở thời điểm đó! Nếu vận động không khéo thì khó triển khai đúng tiến độ. Mình khi đó là Bí thư Chi bộ thôn, phải cùng nhiều đồng chí khác, đến từng hộ làm công tác tư tưởng, thuyết phục nhiều ngày trời. Khó lắm, nên hồi đó nhiều người hay trêu, “bao giờ bò đực biết đẻ thì An Nông mới có điện”. Vậy mà chúng tôi đã làm được cái việc ấy! 25 năm qua, với bất kỳ phong trào tập thể nào, tôi vẫn áp dụng cách thức vận động khéo, vì lợi ích chung của tập thể làm nền tảng để bà con tin tưởng, đồng thuận”.
Thương binh Nguyễn Trí Dũng chăm sóc số mai bonsai tại nhà.
Trăn trở vì đồng đội
Tự nhận rằng mình may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, thương binh Trần Thanh Bình (64 tuổi, ở thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn) luôn hướng về đồng đội bằng nghĩa tình đồng chí. Là Phó Ban liên lạc kháng chiến xã, nhiều năm qua, ông Bình thường xuyên vận động nguồn lực để hỗ trợ cho người tham gia kháng chiến lúc ốm đau, khó khăn. Nhà ông cũng là địa chỉ quen thuộc cho thân nhân người có công chưa hiểu rõ về chính sách tìm đến, để được hướng dẫn, giải đáp thắc mắc.
Vốn đảm nhiệm vị trí Xã đội trưởng năm 1971 đến 1972, lại có mối quan hệ với các đồng chí quê ở các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương... từng tham gia chiến đấu tại Bình Định, ông trở thành người dẫn đường, đón tiếp, hỗ trợ nhiều đoàn cựu chiến binh và thân nhân đi tìm hài cốt liệt sĩ. Nhiều năm qua, ông vẫn luôn trăn trở về một tấm bia tưởng niệm cho những cán bộ đã hy sinh tại trận đánh mở màn cho chiến dịch mùa xuân năm 1972 tại chân cầu Phụ Ngọc.
Ông Bình tâm sự: “Trong trận đánh ngày mùng 6 tháng Chạp âm lịch năm 1971, ta có 19 đồng chí hy sinh, bị địch dồn vào một hố chôn tập thể. Hài cốt của các anh đều đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ sau giải phóng. Tôi nhiều lần đề nghị lập bia tưởng niệm như là một cách nhắc nhớ người trẻ về lịch sử, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực”.
Những ngày tháng 7 này, ông Bình lại bận rộn cùng UBND xã Nhơn Phúc thực hiện khảo sát, chọn ra 9 gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ sổ tiết kiệm trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Mặt khác, tích cực chuẩn bị nguồn lực, tổ chức lễ cúng cầu siêu cho vong linh liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ.
NGUYỄN MUỘI