Lắng nghe nỗi cô đơn
Nhạc của Thanh Tùng thường có nét cô đơn, nỗi buồn nhớ về một quãng thời gian, một hình bóng nào đó như gần như xa, gợi niềm nhớ mong hun hút. Có lẽ vì thường chiêm nghiệm về cô đơn và nỗi buồn, nên sức trào dâng trong âm nhạc của Thanh Tùng rất mãnh liệt, tha thiết. Âm nhạc của Thanh Tùng có phổ giao thoa rộng, dễ dàng cộng hưởng với người nghe. Điển hình là ca khúc Một mình. Thoạt đầu, ca khúc tưởng chừng rất riêng, rất khó chia sẻ, nhất là khi chưa có trải nghiệm, nếu chỉ lướt qua ca từ. Nhưng khi âm nhạc cất lên, mọi thứ đột nhiên thay khác.
Ca khúc Một mình được rất nhiều ca sĩ trình diễn. Nhưng đằm thắm và tha thiết nhất có lẽ là Hồng Nhung. Khi hòa âm, phối khí cho ca khúc này với tiếng hát Hồng Nhung, trong một bản hòa âm, nhạc sĩ hòa âm đã bố trí để giọng violin xuất hiện với nhiều thang bậc, sắc thái, mức dày mỏng khác nhau, để khơi dòng cảm xúc của người nghe trên nhiều cung bậc.
Thậm chí cả khi vẽ lên những bàn chân bước nhẹ, đó cũng chỉ là những âm violin rất mảnh chứ không phải là những nốt piano, guitar vốn là nhạc cụ dễ dàng đạt đến sức biểu cảm. Nghe và so sánh nhiều bản hòa âm khác nhau sẽ thấy lối hòa âm vừa kể là dễ lay động lòng người nhất.
Thường chiêm nghiệm về cô đơn và nỗi buồn, không nhiều nhưng cũng không ít lần Thanh Tùng vừa như nhắn nhủ vừa như tự nói với mình - Đừng mang trong lời ca những nỗi ưu phiền. Và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn. Khi nhen được cảm hứng đó, cơn trào dâng của nhạc sĩ lên chất ngất - Hát đi em hát lên những lời trái tim, để với tiếng ca bỗng như ta gần nhau thêm, có tiếng hát ai như cơn gió mát giọt lệ nào là dòng suối trong veo hay là tôi đang ở trong em đó như tim em về ngủ trong tim tôi. Cách xa đâu là lãng quên để nhớ thương nhuộm hồng trái tim… ! (Em và Tôi).
Cô đơn hay cách xa nhiều khi là một khoảng lặng, một khung thời gian tạo độ trễ để người ta suy tưởng về phía còn lại, phía bên kia của cô đơn. Đó có lẽ cũng là nơi, là lúc nỗi cô đơn dịu ngọt lên men tươi!
KIỀU PHONG