“MƯA RỬA BÙN”: Một góc nhìn vào truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang*
Những ai quan tâm đến văn hóa, văn chương Bình Định, có lẽ không còn xa lạ cái tên Trần Thị Huyền Trang. Chị được biết đến là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa xuất sắc, những bài thơ giàu chất suy tư, những truyện ngắn gây ấn tượng đặc biệt. Có lẽ vì nhiều năm lặng tiếng, nên ngay khi xuất hiện, tập truyện Mưa rửa bùn của chị được đón nhận khá nồng nhiệt.
Với Mưa rửa bùn, khó có thể xác định đề tài xuyên suốt trong cả tập truyện. Bởi đây là tuyển tập của những truyện ngắn được sáng tác trong thời gian rất dài, và hầu hết đều là những tác phẩm có chỗ đứng nhất định trong trí nhớ của người đọc. Do đó, hệ đề tài trong tác phẩm rất đa dạng: dã sử (các truyện Trên đỉnh rừng thần, Trần Quang Diệu), truyền thống văn hóa (Lá thị xanh lâu), chiến tranh (Chiếc áo dạ), xã hội (Mưa rửa bùn, Trả gió cho trời), xã hội (Cố hương),… Ngay cả trong mỗi truyện, tính đa dạng về đề tài cũng được thể hiện. Ví như, trong Chiều rớt có cả đề tài tình yêu và gia đình, trong Một lứa bên trời có các đề tài gia đình, tuổi thơ, tình bạn, xã hội. Rõ ràng, sự mở rộng biên độ phạm vi phản ánh là một trong những yếu tố mang đến tính phong phú, hấp dẫn cho tập truyện.
Khắc họa nhân vật là thành công nổi bật trong Mưa rửa bùn. Phổ nhân vật trong tập truyện vô cùng đa dạng. Từ anh hùng dân tộc (các nhân vật Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân) đến nghệ nhân (đào Nga, kép Phượng, bầu Bang, họa sĩ Huy), trí thức (bác sĩ Phạm Hoàn), doanh nhân (Giản) cho đến những người lao động chân tay (Sang, Điền, Tí Nhàu); ngay những nhân vật nhuốm màu huyền thoại như tù trưởng Bok Kiơm, chúa đảng Dư Mãnh, những con người không tên (người mẹ trong Chiều rớt, cô gái bán nón trong Mưa rửa bùn)…- hết thảy đều được Trần Thị Huyền Trang khắc họa với nhiều mức độ (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, nội tâm) để trở nên sống động đúng với vai của mình.
Bởi vậy, rõ ràng người đọc khó mà quên được một Nguyễn Huệ “người Trời” uy linh mà giàu lòng trắc ẩn, một Trần Quang Diệu đau đáu trước vận mệnh nước nhà, một đào Nga với mối tình u ẩn, một chủ quán Điệp với bao nhiêu thương tích trong lòng. Nhân vật của chị hiện lên sống động, lấp lánh những vẻ đẹp nhân văn.
Với Mưa rửa bùn, độc giả còn được chứng kiến ở Trần Thị Huyền Trang một tay viết vững vàng trong bút pháp nghệ thuật. Truyện của chị gây ấn tượng với cốt truyện phi tuyến tính, thủ pháp phân mảnh, huyền thoại hóa được khai thác hiệu quả. Ngôn ngữ truyện sinh động, chính xác, giàu sức biểu đạt và gợi cảm. Giọng điệu truyện cũng rất linh hoạt, phù hợp với từng bối cảnh, nhân vật. Với các truyện như Trên đỉnh rừng thần, Trần Quang Diệu, Lá thị xanh lâu, Trả gió cho trời…, bút pháp truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang đã bứt phá để vươn lên những tầm cao với nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận.
Mưa rửa bùn là tập truyện đặc sắc trên nhiều phương diện. Khép lại tập truyện, sẽ còn nhiều điều đọng lại, khiến ta day dứt, băn khoăn…
PHẠM TUẤN VŨ
-------------------------------------
* Đọc Mưa rửa bùn, Trần Thị Huyền Trang, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2017.