Số vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực lâm nghiệp giảm mạnh
Ðó là kết quả đáng ghi nhận sau gần 1 năm Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh có hiệu lực. Tuy số vụ vi phạm hành chính trên lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm, nhưng việc xử lý hành chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nội dung chính trong phần trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XII là tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến tháng 9.2016, toàn tỉnh xảy ra 213 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, làm mất 262 ha rừng và đất rừng.
Trước tình hình đó, ngày 7.9.2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 18/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. “Từ đó đến nay, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm khoảng 80-90%, chỉ còn 41 vụ, thiệt hại 26 ha rừng. Chỉ thị này yêu cầu gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với công tác bảo vệ rừng; dù ban đầu cũng có nhiều ý kiến nói qua nói lại, nhưng thực tế đã chứng tỏ Chỉ thị phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống” - ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thừa nhận một thực tế là việc xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn mang tính tuyên truyền, giáo dục. Nguyên nhân chính là đối tượng vi phạm đa phần là người dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức pháp luật, đời sống kinh tế rất khó khăn. Thực tế này được thể hiện rõ trong kết quả kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2017 tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh do Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thực hiện ngày 13.7.
Cụ thể, từ ngày 30.6.2016 đến ngày 31.5.2017, có 11 hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh được ban hành, chủ yếu là các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, như phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, khai thác rừng trái phép… Trong đó, có 8 hồ sơ đã xử lý hành chính và 3 hồ sơ chuyển xử lý hình sự. Tổng số tiền phạt gần 1,5 tỉ đồng; tuy nhiên, người vi phạm mới chỉ nộp phạt vỏn vẹn 217,5 triệu đồng(!). Chi cục đã tiến hành xác minh tài sản của các đối tượng vi phạm, nhưng phần lớn các trường hợp đều có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản có giá trị để kê biên nên Chi cục cũng chưa có biện pháp nào hiệu quả để cưỡng chế việc thi hành các quyết định xử phạt.
MAI LÂM