Vụ sản phụ tử vong sau sinh ở TTYT huyện Phù Mỹ: Kỷ luật nghiêm khắc các cá nhân có sai phạm
Chiều 14.7, Sở Y tế đã có công văn gửi các cơ quan báo chí để thông tin chính thức về vụ sản phụ Phan Thị Yến Linh (29 tuổi, ở xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) tử vong bất thường sau sinh tại TTYT huyện Phù Mỹ vào ngày 24.6.
TTYT huyện Phù Mỹ, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc liên quan đến cái chết của sản phụ Phan Thị Yến Linh.
Bệnh khó, năng lực bác sĩ hạn chế
Theo đó, Sở Y tế nhận định nguyên nhân tử vong của sản phụ là chảy máu sau sinh nặng do đờ tử cung/nghi rách cổ tử cung khi sinh. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, đây là trường hợp bệnh khó, diễn biến phức tạp, khó lường. Chảy máu sau đẻ là tai biến thường gặp nhất trong các tai biến sản khoa, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
“Trên thực tiễn lâm sàng, việc chẩn đoán nguyên nhân và xử trí chảy máu sau đẻ trong nhiều trường hợp là rất khó khăn và khó kiểm soát, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Trong trường hợp này, các y, bác sĩ trong kíp trực đã tích cực xử trí, hồi sức cấp cứu cả mẹ và con; tuy nhiên do bệnh nặng, mất máu nhiều nên sản phụ không qua khỏi”, ông Hùng thông tin thêm.
Theo đánh giá của Sở Y tế, trong trường hợp này, kíp trực chưa theo dõi sát sản phụ trong quá trình chuyển dạ; chưa kịp thời chỉ định truyền máu, sử dụng các loại thuốc vận mạch trong khi cấp cứu; chưa đề nghị hỗ trợ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên; chỉ định chuyển viện chưa phù hợp vì người bệnh đang trong tình trạng nặng, không ổn định...
Nguyên nhân chính của những sai sót này là năng lực chuyên môn của nữ hộ sinh, bác sĩ sản khoa, bác sĩ trực viện còn hạn chế trong cấp cứu sản khoa, đặc biệt là việc chẩn đoán nguyên nhân và xử trí cấp cứu chảy máu sau đẻ. Từ đó dẫn đến mất bình tĩnh, chỉ định điều trị và chuyển tuyến chưa phù hợp.
Xử lý nghiêm
Trong vụ sản phụ tử vong sau sinh ở TTYT huyện Phù Mỹ, một nguyên nhân khách quan khá quan trọng là tình trạng thiếu nhân lực bác sĩ (TTYT huyện Phù Mỹ hiện chỉ có 1 bác sĩ chuyên sản khoa). Điều này dẫn đến việc thực hiện quy chế thường trực chưa đảm bảo yêu cầu theo Quy chế bệnh viện. Do đó, Sở Y tế đã chỉ đạo BVĐK tỉnh điều động 1 bác sĩ sản khoa tăng cường cho TTYT huyện Phù Mỹ từ ngày 17.7 đến hết năm 2017. Sở cũng chỉ đạo rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua trường hợp này.
Đối với TTYT huyện Phù Mỹ, Sở Y tế yêu cầu phải thực hiện kiểm điểm, đề xuất hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với từng cá nhân có khuyết điểm. Đồng thời, tiến hành thăm hỏi, động viên, chia sẻ đối với gia đình sản phụ tử vong, tạo điều kiện và có giải pháp chăm sóc trẻ sơ sinh của sản phụ. Sau đó, tổ chức tập huấn chuyên môn và chấn chỉnh trong việc thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các quy chế chuyên môn bệnh viện.
Trước đó, lúc 7 giờ 30 ngày 24.6, chị Linh nhập viện sinh con thứ hai tại TTYT huyện Phù Mỹ. Các xét nghiệm trước sinh trong giới hạn bình thường. Đến 12 giờ 45, sản phụ có dấu hiệu choáng; lơ mơ, môi tím, gọi hỏi không trả lời; mạch, huyết áp, tim thai tụt giảm.
Sau 5 phút hồi sức, sản phụ dần hồi phục, ổn định. Đến 13 giờ 10 cùng ngày, sản phụ sinh thường bé trai bị ngạt tím; tiến hành hồi sức sau 5 phút trẻ sơ sinh ổn định. Sau khi sinh, sản phụ ra nhiều máu từ buồng tử cung; nhau sổ kiểu Duncan; kiểm soát tử cung và kiểm tra cổ tử cung không rách; được xử trí bằng thở oxy, truyền dịch, thuốc tăng co tử cung nhưng không giảm.
Bệnh diễn tiến nặng và được hội chẩn chuyển BVĐK tỉnh lúc 13 giờ 45, với chẩn đoán theo dõi thiếu máu nặng/đờ tử cung băng huyết; tiên lượng nặng. Trên đường chuyển viện, bệnh chuyển biến nặng, được đưa vào TTYT huyện Tuy Phước để cấp cứu nhưng không có kết quả, bệnh nhân tử vong khoảng 15 giờ cùng ngày.
LÊ CƯỜNG