Chàng trai trẻ mê sưu tầm vật dụng xưa
Nhiều năm qua, có một thanh niên ở thôn Nhơn Thiện, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, âm thầm tìm kiếm, sưu tầm những vật dụng gia đình, công cụ lao động từng một thời phổ biến đang mất dần trong cuộc sống hiện đại. Ðến nay anh đã tích góp được “gia tài” tuy không nặng về giá trị vật chất, nhưng vô giá về mặt tinh thần.
Giữ đồ nẫu bỏ
Kể về lý do đi sưu tầm vật dụng xưa, anh Nguyễn Văn Muôn (SN 1982) chia sẻ, mình sinh ra và lớn lên sau lũy tre làng, những vật dụng làm bằng tre, gỗ, những công cụ lao động mộc mạc như vậy gắn bó từ thuở ấu thơ. Từ cách đây mười mấy năm, nhận thấy những vật dụng ấy đang dần mai một, chàng trai 8X bắt đầu có ý thức gìn giữ.
Anh Nguyễn Văn Muôn trưng bày thêm tại vườn nhà những vật dụng mới sưu tầm được.
“Thời buổi máy móc hiện đại, các công cụ lao động thô sơ dần bị xếp xó, mục nát, hư hỏng. Tôi thấy nhà người ta chỉ còn một vài vật dụng ngày xưa nhưng không quan tâm bảo quản, nên đi sưu tầm, nhất là những loại có nguy cơ biến mất…, đem về tập trung ở nhà mình để có cách gìn giữ tốt hơn. Mai sau đến thế hệ con cháu, còn chỉ cho chúng biết ngày xưa ông bà đã sử dụng những vật dụng này như thế nào…”, anh Muôn bộc bạch.
Chịu khó đi tìm kiếm, sưu tầm ở trong và ngoài xã, anh Muôn đã gặp nhiều chuyện buồn vui. Có người lớn tuổi biết chuyện, sau khi chuyển giao đồ đã vỗ vai động viên nói: “Thằng này được! Còn trẻ mà có lòng gìn giữ những thứ từng quen thuộc với ông bà!”. Nhưng cũng có nhiều người châm chọc, bảo anh “hâm” khi thấy anh đến hỏi xin mua những vật dụng vứt lăn lóc nơi hiên nhà, xó bếp…
Anh Muôn chia sẻ: “Nhiều người không hiểu nói này nọ khiến tôi đôi lúc cũng chạnh lòng. Nhưng quan trọng là mình thực sự thích thú đi sưu tầm, thấy ý nghĩa với việc gìn giữ những vật dụng không mấy giá trị về kinh tế, nhưng mang nặng dấu ấn thời gian, kỷ niệm một thời. Có những món đồ mình thích sau khi tìm mãi mới đem về nhà được thì rất khoái, thường hay ngồi ngắm cả đêm…”.
Chút tình trong vườn kỷ vật
Giới thiệu về những đồ vật sưu tầm, anh Muôn luôn hào hứng nhấn mạnh giá trị tinh thần, thể hiện sự cần cù, khéo léo của người nông dân trong từng món đồ. Chỉ từ cây tre thôi có thể đan thành những cái rổ, đục, bầu... có hình dáng khác nhau để đựng cá, cua… Đồ gốm cũng nhiều loại như chum, hũ, ui, thỏng… dùng chứa mắm muối, dưa cà, hay chế biến những món ăn đạm bạc ở một thời còn nhiều thiếu thốn, giờ chỉ còn trong ký ức.
Nhiều vật dụng anh Muôn mua đem về nhà bảo quản từ lâu, hiện ở nông thôn ngày càng hiếm gia đình còn giữ lại. Như bộ che đạp mía gồm các bộ phận bằng gỗ được đục đẽo, lắp đặt khéo léo để đưa cây mía vào và dùng sức kéo của bò ép mía ra nước nấu đường… Hay những lưỡi cày bằng gỗ nay dường như đã vắng bóng.
Anh Muôn tâm sự: “Có những vật dụng bỏ lăn lóc, không còn dùng tới nhưng nhiều gia đình không bán… Tôi phải đến nhà nhiều lần để cho họ thấy sự thành tâm muốn sở hữu nhằm trưng bày, bảo quản tốt hơn thì họ mới đồng ý. Nhớ nhất là lần đến gia đình nọ có lưỡi cày nguyên bản bằng gỗ đã dùng lâu đời, người lớn tuổi trong nhà đã đồng ý giao cho tôi, vậy mà con cháu họ lại nói giữ lại để bày chơi. Nhờ kiên trì nên sau đó tôi cũng thuyết phục được...”.
Qua nhiều năm sưu tầm, anh Nguyễn Văn Muôn hiện có hàng trăm loại công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt phong phú, đa dạng làm bằng tre, gỗ, đồng, gốm. Căn nhà nhỏ chật hẹp ở thôn Nhơn Thiện chứa đầy đồ, anh Muôn tận dụng thêm khoảng sân vườn khá rộng để trưng bày, đồng thời mở quán cà phê có tên “Vườn Tình” nhằm chia sẻ cùng mọi người những tình cảm trân trọng của mình với vật dụng xưa.
Nhiều khách đến quán đã thêm phần thú vị khi ngay bên cạnh, trên đầu là nhiều vật dụng quen thuộc một thời… Khi Hội Nông dân tỉnh phát động hội viên sưu tầm, hiến tặng các vật dụng sinh hoạt, sản xuất để làm phòng trưng bày truyền thống của Hội, anh Muôn cũng nhiệt tình đem trao tặng một số hiện vật.
“Trong chương trình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã mượn một số vật dụng của anh sưu tầm để trưng bày, tạo ấn tượng cho nhiều người. Hy vọng những vật dụng phong phú, đa dạng này sẽ có điều kiện được sắp xếp, trưng bày như một bảo tàng tư nhân nơi thôn quê, nhằm thu hút khách đến tìm hiểu văn hóa truyền thống”.
Ông NGUYỄN VĂN NGỌC - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH-TT
HOÀI THU