Phong trào “Ðoạn đường tự quản” ở Hoài Ân: Góp phần giảm ô nhiễm môi trường
Những “đoạn đường tự quản” của các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Hoài Ân thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.
Thanh niên thị trấn Tăng Bạt Hổ thu gom rác tại cầu Phong Thạnh.
Ân Phong là xã điểm của huyện Hoài Ân về đích nông thôn mới vào năm 2015. Trước đó, môi trường của xã ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân có thói quen vứt rác, xác súc vật chết ra sông, suối, ven đường. Tại cầu Lò Rèn, Tự Lực và trên tuyến đường chính đến trung tâm xã, rác chất hàng đống gây mùi hôi thối. Dù địa phương đã huy động các hội, đoàn thể ra quân thu dọn định kỳ nhưng đâu lại vào đấy.
Đó là chuyện 2 năm trước. Còn hiện nay, tình hình vệ sinh môi trường ở xã này được cải thiện đáng kể nhờ triển khai thực hiện tốt phong trào Đoạn đường tự quản. UBND xã giao các đoạn đường, các “điểm nóng” về vệ sinh môi trường cho từng hội, đoàn thể quản lý; và lấy hiệu quả làm tiêu chí đánh giá thi đua cá nhân, tập thể hàng năm. Các tổ chức này không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân ý thức bảo vệ môi trường, mà còn tổ chức thu dọn nếu để rác phát sinh trên đoạn đường mình phụ trách.
Ông Hồ Văn Đương, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Phong, nhận xét: “Từ khi thực hiện mô hình này, tình hình vệ sinh môi trường ở các khu dân cư được cải thiện rõ rệt. Tình trạng vứt rác, đổ nước thải ra đường đã được hạn chế. Các hộ dân sinh sống trên những đoạn đường tự quản cam kết thực hiện, giữ gìn vệ sinh chung bởi họ hiểu việc mình làm là vì lợi ích của cả tập thể. Không dừng lại ở đó, việc đoàn thể, xóm giềng cùng nhau tổ chức tổng vệ sinh khu vực nhà ở, đường sá còn góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm hơn”.
Trong phong trào này, Hội LHPN huyện là đơn vị đi đầu triển khai thực hiện và đã tạo được sức lan tỏa lớn. Nhằm thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, đến nay Hội LHPN huyện đã xây dựng được 41 đoạn đường tự quản với gần 850 hội viên tham gia.
Bà Nguyễn Thị Kim Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoài Ân, cho hay: “Những năm qua, dù Hội đã triển khai nhiều hoạt động gắn với công tác bảo vệ môi trường nhưng còn chung chung, hiệu quả chưa cao. Cho đến khi thực hiện mô hình “Đoạn đường tự quản” thì đã gắn trách nhiệm đến từng chi hội, từng tổ, giúp chị em hiểu được trách nhiệm của mình, tích cực tuyên truyền vận động mỗi thành viên trong gia đình cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ ngày càng xanh- sạch- đẹp”.
Các đoàn thể khác như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh huyện cũng đã triển khai thực hiện mô hình Đoạn đường tự quản, như Hội Cựu chiến binh huyện thực hiện được trên 15 km đường tự quản tại 5 xã. Và, không chỉ 12 xã đồng bằng mà ngay 3 xã vùng cao Bók Tới, Đắk Mang, Ân Sơn cũng đã giao cho các hội, đoàn thể tự quản các tuyến đường, khu vực mà người dân thường vứt rác.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, phong trào “Đoạn đường tự quản” trên địa bàn Hoài Ân cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều đoạn đường vừa được thu gom rác xong thì chỉ trong thời gian ngắn, rác lại xuất hiện, do những người thiếu ý thức lén lút đổ. Vì vậy, các tổ chức hội cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân tự giác không đem rác, xác súc vật chết bỏ ra đường, sông, suối, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm. Quan trọng hơn là phải nhanh chóng xây dựng được bãi xử lý rác thải tập trung trên địa bàn huyện. Kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp thì mới xây dựng được môi trường xanh - sạch - đẹp một cách hiệu quả, bền vững.
VĂN HÙNG