Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2016: Các giải pháp giàu tính thực tiễn, dễ áp dụng
Hội Nông dân (HND) tỉnh vừa tổ chức tổng kết, trao giải thưởng cho 11/16 giải pháp của hội viên nông dân (HVND) tham gia Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2016. Các giải pháp đoạt giải đều có sự đầu tư công phu, dễ áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn, được nhiều nông dân học tập làm theo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trao giải Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2016.
Nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả
Là một lão nông tri điền, kinh nghiệm sản xuất có thừa, nhưng ông Huỳnh Tiển, ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (huyện Phù Cát) vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cải tạo đồng ruộng, lên luống để trồng hành, đậu phụng hoặc ớt... “Lâu nay, tôi và bà con trong xã thường thuê máy cày để cải tạo đất, sau đó dùng cuốc phả đất cho bằng, lên luống rồi mới xuống giống cây trồng. Cách làm này chiếm nhiều thời gian, tốn công sức và chi phí. Với mong muốn thay đổi cách sản xuất truyền thống, tôi đã tìm mua máy cày cầm tay cũ, công suất 9,4 CV để nghiên cứu, chế tạo máy cày lên luống và đã thành công”. Giải pháp máy cày lên luống đã đoạt giải nhất Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2016.
Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh 2016 có 11 giải pháp (GP) đoạt giải. Trong đó, GP máy cày lên luống của nông dân Huỳnh Tiển, ở Cát Hải được Ban tổ chức trao giải Nhất; GP máy bóc đậu phộng đa năng của ông Thái Văn Sự, ở xã Cát Trinh (Phù Cát) và GP cải tiến máy bơm nước động cơ xăng của ông Lê Văn Thành, ở xã Bình Tường cùng đoạt giải Nhì. Ngoài ra, Ban tổ chức hội thi còn trao 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Ông Tiển đã sử dụng bộ khung của máy, chế tạo 2 bánh lồng bằng sắt để thay thế 2 bánh hơi, nhằm tạo ma sát, giúp máy di chuyển không bị trơn trợt trên nền đất cát pha. Tiếp đến, ông nghiên cứu lắp đặt lưỡi cày và 2 chảo cày hình chóp nón cùng với bộ phận điều chỉnh độ nông - sâu của chảo và lưỡi cày. Phía sau lưỡi cày được lắp thêm khung sắt để gạt đất tạo mặt bằng. Khi máy di chuyển, lưỡi cày phân chia đất thành nhiều luống (kích thước luống to hay nhỏ tùy thuộc vào từng loại cây trồng); 2 chảo cày có nhiệm vụ không cho đất rơi xuống các rãnh và ép chặt đất hai bên rãnh luống; bộ phận gạt đất có nhiệm vụ làm cho các luống bằng phẳng.
“Máy cày lên luống gọn nhẹ, dễ sử dụng và rất tiện ích. Một người có thể vận hành máy liên tục nhiều giờ trong ngày. Với 1 lít xăng, máy cày lên luống có thể hoạt động được hơn 1 giờ, cải tạo 3 sào đất; tổng chi phí khoảng 450 ngàn đồng, giảm 300 ngàn đồng so với làm thủ công. Hơn nữa, đất được cải tạo bằng máy lên luống trông rất bằng phẳng, các luống đất đều; rãnh luống đảm bảo được việc giữ, hoặc tiêu thoát nước theo ý muốn nên nông dân rất thích. Từ cuối năm 2015 đến nay, có 15 hộ dân trong xã đã mua 15 máy cày về sử dụng, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 7 triệu đồng/máy”- ông Tiển thổ lộ.
Sau thành công với chiếc máy làm đất đa năng, nông dân Lê Văn Thành, ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn) lại tiếp tục mày mò nghiên cứu máy bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. “Hầu hết người dân quê tôi đều làm nông nghiệp, nhưng ruộng vườn lại nằm ở nhiều vùng cách trở, rất khó kéo điện lưới đến nơi để bơm nước tưới cây, nên tôi nghĩ cần phải thay nguồn điện lưới bằng một chiếc máy bơm di động tiện ích. Tận dụng bình xăng và động cơ xe máy từ 100 cm3 trở lên, lắp đặt thêm bình điện ắc quy, quạt nước và tạo một chiếc khung sắt hình vuông trọng lượng 32 kg đưa động cơ của máy cùng các thiết bị vào khung. Nguyên lý hoạt động của máy bơm nước do tôi chế tạo không khác nhiều so với các máy bơm nước bán trên thị trường, nhưng gọn nhẹ, di chuyển dễ dàng, ít tốn xăng và hiệu quả cao hơn. Bình quân 1 lít xăng tiêu hao có thể tưới được 2 sào ruộng, năng lực tưới cao gấp 2 lần so các loại máy bơm nước cùng công suất trên thị trường. Chiếc máy bơm nước của tôi đã đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo nhà nông do Hội Nông dân tỉnh tổ chức” - ông Thành cho biết.
Ngoài 2 giải pháp nói trên, còn có hàng chục giải pháp thuộc các lĩnh vực: cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường... của HVND trong tỉnh đã được các cấp hội cơ sở lựa chọn tham gia Hội thi “Sáng tạo nhà nông” cấp huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 16 giải pháp xuất sắc đã được các cấp hội lựa chọn tham gia Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2016.
Chiếc máy cày lên luống của ông Huỳnh Tiển, ở thôn Tân Thanh, xã Cát Hải (Phù Cát) vừa được hoàn thiện.
Tiếp tục phát huy
HND tỉnh vừa tổ chức lễ trao giải Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2016. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN - Phó trưởng Ban giám khảo Hội thi, cho biết: Từ thực tế sản xuất, các HVND đã phát huy tinh thần sáng tạo, nghiên cứu, tự xây dựng và thực hiện các giải pháp sáng tạo phục vụ sản xuất. Bên cạnh những giải pháp được đầu tư công phu, cũng có những giải pháp đơn giản nhưng rất thiết thực, mang lại hiệu quả cao và dễ áp dụng, đã được phổ biến rộng rãi. Một số sản phẩm tuy không hoàn toàn mới, nhưng qua quá trình sử dụng, nông dân tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Nhìn chung, chất lượng và tính khả thi của các giải pháp sáng tạo của HVND tham gia hội thi lần này cao hơn lần trước nhiều.
Ông Đặng Hoài Tân, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Nhằm phát huy tính sáng tạo của HVND, sau hội thi này, HND tỉnh sẽ phối hợp với Sở KH&CN tổ chức tập huấn hướng dẫn HVND đạt giải cao xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa; đăng ký đề tài, giải pháp khoa học để tiếp tục dự thi sáng tạo nhà nông do Trung ương HND Việt Nam tổ chức. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho HVND trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội cũng đã phát động Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định” năm 2017.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ