Giả và thật
Tham dự phiên tòa giả định được Chi đoàn Viện KSND tỉnh phối hợp với UBND phường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) tổ chức mới đây, nhiều người dân đã thể hiện mong muốn có nhiều phiên tòa như thế này được tổ chức. “Bây giờ, giới trẻ đang bị lôi kéo sử dụng các chất kích thích rất nguy hiểm, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ mà tránh xa. Tiểu phẩm này đã phản ánh rõ thực trạng đáng báo động cũng như hậu quả nhãn tiền khi dính vào chất gây nghiện. Tôi thấy nên tổ chức thường xuyên các phiên tòa giả định về các loại tội phạm, vì nó rất hữu ích cho mọi người dân”, ông Trần Văn Cần, ở phường Trần Hưng Đạo, chia sẻ.
Quang cảnh một phiên tòa giả định.
Tuy là phiên tòa giả định nhưng nội dung vụ án được xây dựng dựa trên những tình huống có thật trong cuộc sống, được các đoàn viên Chi đoàn Viện KSND tỉnh diễn tả một cách sinh động. Các diễn viên đã nhập vai vào từng nhân vật cụ thể, thể hiện lại diễn biến quá trình phạm tội. Theo đó, bị cáo Võ Văn Lâm là đối tượng nghiện ma túy, đã nhiều lần mua ma túy đá về sử dụng. Để có thêm tiền thỏa mãn thú vui với làn khói trắng, Lâm kiêm luôn việc cung cấp ma túy cho các đối tượng nghiện khác. Để làm được việc này, Lâm đã rủ rê, xúi giục Trần Thị Chung và Hoàng Thị Thanh Nghĩa (người chưa thành niên) cũng là đối tượng nghiện giúp sức, bằng cách chia nhỏ số ma túy đã mua rồi giao cho Chung và Nghĩa trực tiếp đi bán cho các đối tượng nghiện. Với những hành vi đó, các bị cáo đã bị Viện kiểm sát truy tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa giả định, các nhân vật đã thể hiện tròn vai diễn của mình. Hội đồng xét xử cũng đã tiến hành đầy đủ các bước xét hỏi, tranh tụng, luận tội, phân tích cụ thể từng hành vi vi phạm để bà con nắm được các thủ đoạn của tội phạm ma túy. Anh Nguyễn Hoàng Hải, Bí thư chi đoàn Viện KSND tỉnh, cho biết: “Tuy là phiên tòa giả định, song chúng tôi đều mô phỏng đầy đủ trình tự của một phiên tòa thực tế. Thông qua quá trình xét hỏi, tranh tụng và tuyên án, chúng tôi đều lồng ghép các nội dung pháp luật quy định để tuyên truyền cho mọi người dân. Ngoài ra, tham gia phiên tòa giả định, cũng là dịp để các kiểm sát viên tương lai tiếp cận nội dung, trình tự, diễn biến của một phiên tòa thật, từ đó rèn luyện kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cũng như khả năng trình bày trước đám đông, góp phần đưa pháp luật đến gần với nhân dân”.
KIỀU ANH