Chuyển đổi đất lúa 3 vụ/năm sang cây trồng khác: Hiệu quả hơn hẳn
Ðể tạo ra những sản phẩm mang lại hiệu quả, có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh ta đã triển khai mô hình sản xuất cây trồng cạn và rau màu trên đất lúa chuyển đổi; lập đề án chuyển 3 vụ lúa/năm sang sản xuất cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Nông dân Nhơn An (TX An Nhơn) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: X.THỨC
Nếu như trước năm 2006, diện tích sản xuất 2 vụ lúa/năm là 3.780 ha thì đến năm 2016 là 31.473 ha. Trên diện tích 2 vụ lúa/năm trong vụ Đông Xuân năng suất bình quân đạt từ 68 đến 75 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân trên chân ruộng 3 vụ lúa/năm từ 7 đến 15 tạ/ha. Riêng mô hình khuyến nông trên giống lúa lai năng suất bình quân đạt 70-80 tạ/ha, cao hơn lúa thuần 15-25 tạ/ha. Trên diện tích 2 vụ lúa/năm ở vụ Thu đại trà năng suất bình quân ở hầu hết các huyện đạt từ 62-68 tạ/ha, cao hơn từ 17- 18 tạ/ha so với năng suất bình quân 3 vụ lúa/năm của toàn tỉnh (45-50 tạ/ha).
Xét về hiệu quả kinh tế, sản xuất 2 vụ lúa/năm lợi nhuận thuần cao hơn 10,418 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất 3 vụ lúa/năm, đồng thời sản xuất 2 vụ lúa/năm giảm được chi phí 15,418 triệu đồng/ha/năm; giá thành sản xuất 1kg lúa thấp hơn 1.032 đồng so với sản xuất chân ruộng 3 vụ lúa/năm. Đối với các mô hình khuyến nông, hiệu quả kinh tế cao hơn rất rõ rệt.
Theo quy hoạch phát triển ngành trồng trọt của tỉnh, đến năm 2020 diện tích gieo trồng lúa giảm còn 90.700 ha, song đến năm 2016 diện tích gieo trồng lúa vẫn còn 106.481 ha. Hiện nay, diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa đạt 31.473 ha và diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm vẫn còn 13.000 ha. Việc chuyển đổi sản xuất của tỉnh ta trong 3 năm gần đây đã chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn chậm so với các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ.
Thực tiễn sản xuất cho thấy, những ưu điểm của sản xuất 2 vụ lúa/năm là có thể né tránh được thiên tai và điều kiện thời tiết bất lợi, hạn chế được sâu bệnh, bồi dưỡng đất đai... Đặc biệt, với những tiến bộ kỹ thuật về giống lúa lai và các giống trung và dài ngày có tiềm năng năng suất cao rất thích hợp với chế độ canh tác 2 vụ lúa/năm, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đảm bảo sản xuất bền vững và hiệu quả; tạo điều kiện và động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, việc chuyển đổi sản xuất 3 vụ lúa sang 2 vụ/năm hoặc một số cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế cao hơn của tỉnh ta trong thời điểm hiện nay là một yêu cầu khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn.
ÐINH VĂN TOẠI