Hơn 27 năm chăm sóc người có công
Hơn 27 năm qua, chị Trần Thị Thanh Hà - nhân viên Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng người có công tỉnh (TP Quy Nhơn) luôn gắn bó và hoàn thành tốt công việc của mình trong niềm vui và hạnh phúc.
Chị Trần Thị Thanh Hà là người gắn bó, hoàn thành tốt công việc của mình trong niềm vui và hạnh phúc.
Do có việc thường xuyên ghé qua Trung tâm, lần nào tôi cũng gặp chị Hà tất bật với công việc, không dọn dẹp vệ sinh xung quanh khu nhà các cụ ở thì chị cũng nấu ăn, giúp các cụ vá quần áo; không cắt tóc, cạo râu, giặt quần áo cho cụ này thì cũng tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho cụ kia, nhắc cho các cụ uống thuốc. Ngay cả khi chị thong thả nhất cũng là lúc chị trò chuyện để các cụ khuây khỏa những năm tháng cuối đời tại Trung tâm.
Hiện tại Trung tâm có 14 cụ ông và cụ bà tuổi đều trên 70, có cụ gần 100 tuổi, phần lớn đều rất yếu; trong đó có 4 cụ không thể đi lại, được bố trí nằm ở khu bất động, vì vậy đòi hỏi người chăm sóc phải luôn nỗ lực. Ví dụ, tiếng là ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ nhưng với những cụ ở khu bất động, khoảng 2-3 giờ sáng, chị Hà phải vào kiểm tra thay tã và cho các cụ uống nước, giữ các cụ luôn khô ráo để các cụ tròn giấc ngủ.
Nhờ chị Hà và đồng nghiệp chăm sóc như vậy, những người có công ở Trung tâm được bù đắp, thấy như đang sống trong một gia đình ấm cúng thật sự. Cụ Võ Thị Huệ - quê ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, năm nay 88 tuổi, sống ở Trung tâm hơn 17 năm kể: “Tôi bị tai biến liệt 2 chân. Con tôi ở xa, nên tôi vô Trung tâm sống. Nhiều lúc tôi muốn tự đi vệ sinh để cô ấy đỡ vất vả, nhưng cô Hà không cho, bảo rủi té là ân hận lắm! Thiệt tình, cô chăm tôi như chăm mẹ ruột. Mà thật, tôi cũng xem cô như con mình vậy”.
Bà Lê Thị Thu Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều dưỡng người có công tỉnh, đánh giá: “Chị Hà là người có thâm niên chăm sóc các cụ lâu nhất ở Trung tâm, được các cụ yêu mến. Là người giàu tâm huyết với nghề, chị làm việc không biết giờ giấc là gì. Trung tâm cũng tuyển thêm một số người phụ chăm sóc các cụ với chị Hà, nhưng phần nhiều họ không trụ lại được vì vất vả quá!”.
Nói về công việc của mình, chị Thanh Hà tâm sự: “Tôi thấy hoàn cảnh, sức khỏe các cụ như vậy, tôi thương lắm, chẳng khác gì là ông bà cha mẹ của tôi. Tôi luôn nghĩ, mình làm thế này cũng như dạy các con biết yêu thương người già, ông bà, cha mẹ. Các cụ có thêm những ngày vui sống cuối đời, là tôi hạnh phúc”.
LÊ DUYÊN