Điều trị sớm viêm xoang cấp để tránh tái phát
Tỉ lệ người mắc bệnh viêm xoang mạn tính ngày càng gia tăng, do tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi, thuốc lá. Người bệnh đến khám thường có biểu hiện đau đầu, nghẹt mũi, sổ mũi.
Ông Trịnh Đình Sơn - 63 tuổi, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn - thường xuyên bị nghẹt mũi. Nghĩ mình bị viêm mũi dị ứng, ông Sơn chỉ mua thuốc điều trị tại nhà, nhưng tình trạng nghẹt mũi vẫn kéo dài. Ông nhập viện điều trị trong tình trạng bệnh nặng do có polyp choáng lấn hốc mũi hai bên và có dịch tụ. Chụp CT-Scanner, bác sĩ kết luận ông bị viêm đa xoang, đa polyp hốc mũi hai bên, vách ngăn mũi lệch. Còn chị Đặng Thị Thuận - 38 tuổi, ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước - thường xuyên nhức đầu từng đợt. Cách đây không lâu chị phải nhập viện điều trị với chẩn đoán sàng mũi, khe mũi có ít dịch nhầy.
Trong năm 2012, BVĐK tỉnh đã tiến hành phẫu thuật cho 68 bệnh nhân mắc viêm xoang mạn tính. 7 tháng đầu năm nay, con số này đã lên đến 50 trường hợp. Bác sĩ Hoàng Thị Thanh Bình, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, cho biết: “Các biểu hiện ban đầu của viêm xoang dễ nhầm với cảm cúm thông thường nên thường bị bỏ qua, hoặc điều trị không đúng. Giai đoạn bệnh cấp tính có thể qua khỏi, nhưng gặp điều kiện thuận lợi như tiếp xúc nhiều với khói bụi, thời tiết thay đổi, bệnh tái phát”.
Bác sĩ Bình lý giải, biểu hiện của viêm xoang lâu năm thường không điển hình, cơn đau đầu âm ỉ và dai dẳng. Nhiều bệnh nhân viêm xoang mạn tính thường gặp những bệnh chẳng “liên quan” gì tới viêm xoang. Người bệnh có biểu hiện ù tai, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản...
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, viêm xoang cấp thường có những biểu hiện đau nhức vùng đầu trán, chảy nước mũi và nghẹt mũi; sốt, mệt mỏi. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh nên đi khám, điều trị kịp thời. Khi nghi ngờ bị viêm xoang hoặc viêm đường hô hấp cần đi khám bác sĩ chuyên khoa. Người bị viêm xoang và viêm xoang tái phát không được tự ý điều trị bằng kháng sinh dễ gây tai biến nguy hiểm. Lưu ý, mỗi khi đi ra đường cần đeo khẩu trang, nên dùng loại có khả năng hạn chế sự xâm nhập của bụi.
Để phòng bệnh viêm xoang, khi thời tiết thay đổi cần mặc ấm, nhất là vùng cổ, ngực, mũi; vệ sinh họng, miệng hằng ngày (như đánh răng trước và sau khi ngủ dậy, sau mỗi bữa ăn súc họng nước muối sinh lý). Trẻ em và người cao tuổi càng nên thực hiện tốt và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên.
THU PHƯƠNG