Phục vụ bệnh nhân chạy thận nhân tạo: An toàn là mục tiêu hàng đầu
Hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải gắn cuộc đời còn lại của mình với các bệnh viện. Do đó, việc chăm sóc, vận hành quy trình đảm bảo an toàn tại các điểm lọc thận luôn được đặt lên hàng đầu. Hơn 10 năm qua, các điểm lọc thận trong tỉnh chưa để xảy ra bất kỳ sự cố nào.
Giảm tải cho các điểm lọc thận
Hơn 10 giờ sáng, khu vực hành lang Khoa Nội thận - Lọc máu (BVÐK tỉnh) có hàng chục người ngồi chờ. Nhiều người tranh thủ ăn vội ổ bánh mì, hộp cơm để chờ đến lượt vào chạy thận.
Bệnh nhân đang chạy thận tại BVĐK KV Phú Phong.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CKII Nguyễn Dũng, Trưởng Khoa Nội thận - Lọc máu, cho biết: Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi chỉ còn chạy 3 ca (mỗi ca khoảng 4 giờ), với khoảng 120-130 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân đang chạy thận tại đây là khoảng 300 người. Công việc hiện nay đã đỡ áp lực hơn trước rất nhiều, nhờ có thêm 20 máy chạy thận mới từ dự án JICA mới được đưa về hồi tháng 5 vừa rồi, nâng tổng số máy đang hoạt động lên 47 máy (trong đó có 7 máy cũ hoạt động từ năm 2007). Trước đây, mỗi ngày chúng tôi phải chạy 5 ca, việc nhân viên, điều dưỡng phải về nhà lúc 1 giờ sáng là hết sức bình thường.
So với BVÐK tỉnh, Ðơn nguyên thận nhân tạo ở BVÐK khu vực Phú Phong (huyện Tây Sơn) có phần “thong thả” hơn, bởi tổng số bệnh nhân chạy thận ở đây chỉ có 16 người, chủ yếu ở huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Với 6 máy chạy thận, 3 nhân viên, điều dưỡng vẫn phân công để đảm đương tốt công việc.
Bà Nguyễn Thị Cảnh (55 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) được coi là bệnh nhân kỳ cựu nhất ở Ðơn nguyên, khi có mặt tại đây từ cuối năm 2008, lúc đơn nguyên này mới được thành lập. “Hồi đó bệnh viện có 3 máy, nghe nói do Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Ðịnh tài trợ. Số bệnh nhân chạy thận cũng chỉ có 6-8 người. Cả chục năm chạy thận ở đây nên bác sĩ, điều dưỡng đều coi tôi như người nhà, chăm sóc tận tình lắm”, bà Cảnh thổ lộ.
Bác sĩ Ðỗ Tiến Dũng, Giám đốc BVÐK TP Quy Nhơn, cho biết, trước đây, Bệnh viện cũng có vài máy chạy thận nhân tạo, nhưng sau khi BVÐK tỉnh thành lập Khoa Nội thận - Lọc máu (cuối năm 2007), rồi máy móc ở đây cũ kỹ, hư hỏng nên BVÐK TP Quy Nhơn đã dừng hoạt động vài năm và bệnh nhân đã chuyển sang chạy thận ở BVÐK tỉnh.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành
Cùng với 20 máy chạy thận mới nhận từ dự án JICA, BVÐK tỉnh còn được nhận một hệ thống sản xuất nước RO mới cũng từ dự án này. Ðịnh kỳ 6 tháng một lần, các mẫu nước RO sẽ được gửi vào Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn hóa lý - vi sinh. Bên cạnh đó, việc xử lý sát trùng đường ống cũng được thực hiện đúng quy định.
Bác sĩ CKII Nguyễn Dũng cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất lãnh đạo Bệnh viện đặt mua máy xác định hóa chất tồn dư trong đường ống sau khi sát trùng. Cùng với đó, những thiết bị khác thường sử dụng trong hệ thống cũng đang được hoàn thiện để tất cả các khâu đều hoạt động đúng quy chuẩn. Dù các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đã thành thạo các thao tác, nhưng chúng tôi luôn yêu cầu tuân thủ nghiêm quy trình để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Thái độ phục vụ bệnh nhân cũng được nâng cao”.
Ðưa chúng tôi đi tham quan hệ thống máy chạy thận nhân tạo, hệ thống lọc nước RO, điều dưỡng trưởng Trần Trọng Hồ, phụ trách trực tiếp Ðơn nguyên thận nhân tạo Khoa Hồi sức cấp cứu, BVÐK KV Phú Phong cho biết, tất cả các máy chạy thận đều còn khá mới, trong đó có 3 máy được mua từ năm 2016 trị giá gần 2 tỉ đồng. Riêng hệ thống lọc nước được chính anh và một số kỹ sư nghiên cứu lắp đặt.
“Hệ thống máy mới nên khi có bất kỳ trục trặc nào đều được thông báo bằng tín hiệu và hiển thị trên màn hình. Với 3 nhân viên, điều dưỡng đã được đào tạo về thao tác vận hành, chúng tôi chưa để xảy ra bất kỳ sự cố, tai biến nào trong quá trình vận hành từ gần 10 năm qua. Dẫu vậy, điều đó không cho phép mọi người được lơ là, các khâu liên quan luôn phải được thực hiện đúng yêu cầu để đảm bảo an toàn cho người bệnh”, anh Hồ chia sẻ.
LÊ CƯỜNG