Lễ cầu mưa của người Chăm H’roi
Là một nghi thức từ cổ xưa của đồng bào Chăm H’roi ở huyện Vân Canh, nhưng đến nay lễ cầu mưa lưu giữ gần như trọn vẹn những nét độc đáo, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào.
Lễ cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi ở huyện Vân Canh.
Lễ cầu mưa, theo tiếng Chăm là “Quai châuq a Sanq” là một nghi thức mang ý nghĩa cầu xin trời đất ban cho mưa thuận gió hòa, hoặc tạ ơn khi mùa màng tốt tươi, đời sống đồng bào no đủ. Những khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để sinh hoạt, phục vụ sản xuất, đồng bào sẽ làm lễ cầu mưa. Ðồng bào có thể làm lễ riêng ở trên rẫy của mình theo từng hộ gia đình hoặc cả làng làm chung một lễ, dân làng cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật để cúng.
Già làng Sâu Zuôn Nam (làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận) cho biết: “Già làng là người chỉ đạo mọi việc, từ việc chọn ngày làm lễ đến việc họp người dân trong làng cùng nhau đóng góp đồ lễ, nếu là lễ của làng. Tùy vào điều kiện mỗi làng, tùy vào mức độ hạn hán mà bày biện lễ vật cho tương xứng, nhưng trên đài tế luôn có đầy đủ một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau... để dâng lên các vị thần ban sức khỏe (Yang ron), thần mưa (Yang ASanq), thần thủy lợi (Yang ie). Việc tiến hành nghi lễ cúng cầu mưa được tổ chức tại trung tâm của làng.
Tất cả người dân trong làng phải có mặt, đại diện cho mỗi gia đình đến chạm tay và khấn trước món đồ cúng, người Chăm H’roi quan niệm phải làm như vậy thì mới được thần biết đó là người của làng, sẽ phù hộ cho.
Trong nghi thức cúng của người Chăm H’roi, dân làng sẽ chọn một người già có uy tín, biết cúng và rành rẽ các lễ hội trong làng để làm thầy cúng Yang (còn gọi là Ây quai). Số lễ vật luôn là số lẻ vì người Chăm H’roi quan niệm phải như vậy để khi thần cho một phần nữa là tròn chẵn, đủ. Lễ cúng có thể rất trang trọng nhưng đồng bào không bao giờ xin nhiều, vì luôn tin rằng lòng tham sẽ làm thần nổi giận.
Theo già làng Lê Văn Ru, trong lễ cầu mưa, sau khi thầy cúng khấn xong, sẽ đứng trên đài tung gạo như phun mưa ra khắp 4 hướng, ngụ ý trời đã đồng ý ban cho mưa xuống. Cùng lúc đó, phụ nữ sẽ cầm những bó nan vuốt vào không khí tạo nên âm thanh của gió, đàn ông gõ trống K’toang, nổi cồng chiêng lên, tạo nên âm thanh của sấm chớp.
Ðiểm đặc biệt là đoạn cuối của nghi lễ này là đồng bào luôn nổi cồng chiêng để chào cơn mưa, thanh niên Chăm H’roi múa xoang các điệu truyền thống quanh đội cồng chiêng, để chuyển sang phần hội vui vẻ. Người Chăm H’roi trong mọi hoàn cảnh khó khăn đều giàu hy vọng về những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến.
ÐÌNH DẶM