Tất cả vì “thành phố du lịch”
Ðó là nội dung quan trọng đặt ra xuyên suốt kỳ họp thứ 4 HÐND TP Quy Nhơn khóa XI, diễn ra trong 2 ngày 18 - 19.7. Lập lại trật tự đô thị (TTÐT), chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh quảng cáo rao vặt; quản lý hiệu quả hoạt động phục vụ du lịch... là những vấn đề cần giải quyết để thành phố ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách.
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Quy Nhơn khóa XI. Ảnh: N.V.TRANG
Địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa?
Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp và phiên thảo luận tổ tại kỳ họp đều thống nhất đánh giá, kết quả của công tác ra quân lập lại TTĐT chưa đảm bảo yêu cầu. Các đơn vị của thành phố và UBND các phường, xã thực hiện chưa đồng bộ. Ngoài ra, ý thức chấp hành của một số hộ dân không cao, tiếp tục tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Bên cạnh đó, thành phố chưa có phương án giải quyết nơi kinh doanh cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sống nhờ buôn bán trên vỉa hè.
Các giải pháp lập lại TTĐT do Đội trưởng Đội TTĐT Nguyễn Văn Thành đưa ra trong phần trả lời chất vấn chưa được các đại biểu đồng thuận cao. Chủ tịch HĐND TP Quy Nhơn Trần Văn Thanh yêu cầu giải pháp phải rõ ràng, cụ thể hơn. “Nóng bỏng nhất là đường nội bộ Xuân Diệu. Mình rút quân thì họ lại bán, vậy phải có cách giải quyết như thế nào? Với số đối tượng manh động, chống đối thì phối hợp xử lý ra sao?”, ông Thanh hỏi.
Ông Nguyễn Văn Thành nêu ra nhiều cái khó, như lực lượng mỏng mà địa bàn rộng, Đội TTĐT không đủ thẩm quyền xử lý các đối tượng chống đối... “Như đường nội bộ Xuân Diệu, một vài hộ thì dễ cương quyết xử lý, đằng này 100 hộ có đến 98 hộ vi phạm, làm không khéo dễ phát sinh điểm nóng”, ông Thành nói.
Trưởng CA TP Quy Nhơn, đại tá Nguyễn Văn Thảo cũng thừa nhận sự phức tạp trong quá trình lập lại TTĐT, bởi đằng sau mỗi xe nước mía, xe bánh mì là những phận người lao động nghèo tất bật mưu sinh. Trao đổi với PV Báo Bình Định bên lề kỳ họp, đại tá Nguyễn Văn Thảo khẳng định, lực lượng công an luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ khi hoạt động chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nảy sinh các vấn đề phức tạp. “Quan trọng là phải chủ động trong hoạt động phối hợp. Bên cạnh đó, quá trình xử lý cũng phải hết sức linh hoạt, khi người ta đã bày bàn ghế ra, khách đang có hơi men mà ta cứ cứng nhắc, lời lẽ không lịch sự thì khó tránh va chạm”, ông Thảo chia sẻ.
Phần trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cũng dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực này. Khẳng định việc lập lại TTĐT có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng Quy Nhơn thành “thành phố du lịch”, ông Nam cho biết UBND thành phố sẽ sớm sơ kết chuyên đề này để có những biện pháp thật sự hữu hiệu trong thời gian đến, đặc biệt là liên quan đến sinh kế của người dân. “Công tác tuyên truyền, vận động cũng rất quan trọng, phải gắn với trách nhiệm của từng xã, phường. Để xảy ra tình trạng như hôm nay, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa?”, ông Nam đặt vấn đề.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở đường nội bộ Xuân Diệu vẫn dai dẳng. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phải chấm dứt tình trạng quảng cáo “lôm côm”
Một trong những khuyết điểm, tồn tại được UBND TP Quy Nhơn chỉ ra là công tác quản lý hoạt động văn hóa còn hạn chế. Việc phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo lộ rõ nhiều khoảng trống, nhất là xử lý các trường hợp lắp đặt bảng quảng cáo không đúng nơi quy định, quảng cáo rao vặt trên bờ tường, cột điện, làm mất mỹ quan đô thị. Băng rôn, phướn treo dày đặc, không tháo dỡ kịp thời, lớp sau đè lên lớp trước... Giải trình trước kỳ họp, Trưởng phòng VH-TT Nguyễn NgọcTiến thừa nhận quảng cáo rao vặt lộn xộn đang là vấn đề nhức nhối. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có cả yếu tố chủ quan như việc cấp phép quảng cáo chưa đúng quy định. “Nhiều đơn vị tham gia theo mô hình xã hội hóa, treo xong cứ để đó, chờ đơn vị khác tháo dỡ. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp Sở VH-TT mời các đơn vị thực hiện quảng cáo lên để tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể”, ông Tiến cho hay.
“Lôm côm” là nhận xét của Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam về tình trạng quảng cáo rao vặt ở thành phố hiện nay. “Đúng là có nhiều nguyên nhân, nhưng nói gì thì nói, Phòng VH-TT phải tích cực hơn nữa, phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở”, ông Nam chốt vấn đề.
Xã hội hóa xây dựng bãi giữ xe
6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 1,6 triệu lượt khách du lịch đến TP Quy Nhơn, tăng 15,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch đạt 792 tỉ đồng, tăng 45,8%. Tỉ lệ thuận với sự gia tăng lượng khách du lịch là sức ép lên các dịch vụ, đòi hỏi thành phố phải khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Tại xã Nhơn Lý, khách tham quan ngày càng đông, ô tô không có bến đỗ nên phải đỗ dọc đường tại khu vực Eo Gió dẫn đến trục đường trung tâm văn hóa xã và các điểm xuống biển, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân địa phương. Trước tình trạng này, UBND TP Quy Nhơn đã có tờ trình và được HĐND thành phố thống nhất chủ trương xây dựng bãi giữ xe phục vụ khách du lịch trên địa bàn xã.
Ở nội thành Quy Nhơn, nhu cầu gửi xe cũng rất bức xúc, đặc biệt là xe tải, xe đầu kéo phục vụ các công trình xây dựng lớn. “Thành phố có chủ trương quy hoạch bãi đậu xe ở khu vực đường Điện Biên Phủ. Chúng tôi cũng kêu gọi sự tham gia của tư nhân trong việc xây dựng bãi giữ xe”, ông Ngô Hoàng Nam cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG