Hoài Nhơn: Lan tỏa phong trào đền ơn đáp nghĩa trong cộng đồng
Thời gian qua, huyện Hoài Nhơn đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác “Ðền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức phong phú. Nhiều tập thể, cá nhân, gia đình đã làm tốt công tác này với nhiều mô hình tốt, cách làm hay.
Ông Nguyễn Văn Phó đã 20 năm canh “giấc ngủ” cho các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu Bắc.
Huyện Hoài Nhơn có 15 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó, nghĩa trang liệt sĩ xã Hoài Châu Bắc là nơi yên nghỉ của gần 1.500 liệt sĩ, đông nhất huyện. Dưới bàn tay chăm sóc của người quản trang - ông Nguyễn Văn Phó, 66 tuổi - nghĩa trang liệt sĩ của xã chưa một ngày thiếu vắng hương khói. Ông Phó bộc bạch: “Là cựu chiến binh, mình đã từng vào sinh ra tử, nhưng may mắn hơn các đồng đội là vẫn còn được sống trong hòa bình, nên chăm sóc đồng đội chu đáo không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm. Bên cạnh đó, hàng ngày chứng kiến thân nhân liệt sĩ đến thăm chồng, thăm con, người thân, trong đó có nhiều người ở tận các tỉnh phía Bắc vài năm mới có điều kiện đến thăm một lần, nên tôi tự dặn lòng phải trông nom phần mộ các liệt sĩ thật tốt để họ được an ủi phần nào, coi đó như một cách tri ân”.
Cựu chiến binh Đặng Ngọc An, 65 tuổi, ở thôn Cự Tài 2, xã Hoài Phú, cũng luôn nặng tình với đồng đội. Hễ nghe nơi nào có manh mối về hài cốt liệt sĩ là ông lại tìm đến, bất chấp đường xa hay núi cao. Là hội viên tích cực của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, đến nay, ông An đã tham gia tìm kiếm và quy tập trên 200 mộ liệt sĩ đưa về với người thân, gia đình. Ông kể: “Mỗi lần tìm ra được mộ các đồng đội, trong tôi lại dâng trào cảm xúc vừa mừng vừa tủi, và cứ thế những giọt nước mắt cứ lăn dài”.
Bên cạnh những cá nhân điển hình, huyện Hoài Nhơn còn có nhiều xã, cơ quan tiêu biểu trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Là một trong những xã có số lượng gia đình chính sách khá cao (1.016 hộ, số nhân khẩu chiếm trên 30% dân số) nên Đảng bộ và nhân dân xã Tam Quan Nam hết sức coi trọng công tác này. Trong 5 năm 2012-2017, toàn xã đã huy động vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 145 triệu đồng, tổ chức tặng 10 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng, thăm hỏi các gia đình chính sách vào các dịp lễ tết, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, cùng với nguồn kinh phí cấp trên, xã đã hỗ trợ xây dựng 58 nhà cho người có công với cách mạng với tổng số tiền gần 2 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Nam, cho biết: “Bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động, xã đã huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia đền ơn đáp nghĩa. Nhờ đó, 100% số hộ gia đình chính sách neo đơn đều được chăm sóc, giúp đỡ; 40% số hộ chính sách được vay vốn giải quyết việc làm. Đến nay, xã không còn gia đình chính sách nào nằm trong diện hộ nghèo”.
Cùng với chính quyền, từ năm 2012 đến nay, cán bộ, ĐVTN, học sinh huyện Hoài Nhơn đã đóng góp 85.000 ngày công tu tạo, dọn vệ sinh, trồng gần 1.500 cây xanh tạo cảnh quan tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm; đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên như xây dựng đường vào khu di tích, làm bia mộ liệt sĩ, quét vôi tường rào cổng ngõ các nghĩa trang với kinh phí gần 150 triệu đồng; vận động đóng góp xây dựng 10 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách neo đơn và cựu thanh niên xung phong; tặng 200 suất học bổng cho con thương, bệnh binh, gia đình chính sách.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, phong trào đền ơn đáp nghĩa ở huyện Hoài Nhơn tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, mang ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc.
ÁNH NGUYỆT