Thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam: Cần cú hích mới
Thị trường mua bán và sáp nhập tại Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng nhưng nếu không dẹp bỏ rào cản, có nhân tố đột phá thì nguy cơ tụt dốc.
Trong những năm gần đây, hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức Diễn đàn mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam 2017 (M&A Vietnam Forum 2017), hoạt động M&A hiện đang đối mặt nhiều khó khăn và nếu không có đột phá thì giá trị M&A năm 2017 khó vượt qua mốc 5 tỷ USD như kỳ vọng.
Nhà đầu tư ngoại chiếm áp đảo giá trị M&A Việt Nam 2016
Nhìn lại năm trước thì thấy đó là quãng thời gian rực sáng của thị trường M&A Việt Nam. Tổng giá trị M&A năm 2016, theo thống kê của IMAA, đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.
Thị trường M&A Việt Nam được dự báo tổng giá trị có thể lên tới 20 tỷ USD giai đoạn 2014-2018 (Ảnh minh họa: KT)
Lĩnh vực M&A sôi động nhất năm 2016 là ngành bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng và ngành bất động sản. Tài chính ngân hàng trở lại với những thương vụ trong ngành bảo hiểm và tài chính tiêu dùng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các thương vụ mua lại và hợp nhất trong lĩnh vực mía đường là một xu hướng nổi trội. Một số ngành khác cũng có những thương vụ đáng chú ý như ngành vật liệu – hóa chất, hàng không, giáo dục, công nghệ.
Trong đó, ví dụ về ngành bán lẻ, năm 2016 các thương vụ có giá trị chiếm tới 38,46% tổng giá trị của các thương vụ. Nổi bật nhất là thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C và Metro. Những động thái của nhà đầu tư Hàn Quốc và Thái Lan thể hiện khởi đầu cho xu hướng đầu tư, mua lại các công ty có kênh phân phối tại thị trường địa phương nhằm đưa sản phẩm của Thái Lan và Hàn Quốc tiếp cận hơn thị trường khá màu mỡ với hơn 90 triệu dân Việt Nam.
Điều đặc biệt gây chú ý là ở khối ngoại, các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam với những thương vụ lớn và đáng chú ý trong các ngành. Các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm tới 77% tổng giá trị M&A tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn vẫn chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ và giới đầu tư. Về cổ phần hóa, tổng số DNNN cổ phần hóa năm 2016 chỉ đạt 52 doanh nghiệp, bằng 25% số doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa cũng mới đạt 20, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt là xét về giá trị cổ phần hóa thì theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%.
Hơn nữa, nhìn chung toàn thị trường thì các thương vụ M&A lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi chưa có nhiều thương vụ lớn và có chất lượng được công bố. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị M&A tại Việt Nam chỉ đạt 1,63 tỷ USD, với 102 thương vụ (so với 160 thương vụ, có tổng giá trị 5,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2016).
Nhiều trở ngại
Già nửa năm 2017 đã trôi qua, thị trường M&A Việt Nam không có tiến triển đột phá khiến giới chuyên môn lo ngại cả năm nay, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của năm 2016. Có 3 thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam năm nay được giới nghiên cứu đưa ra là: Một là, sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút dòng vốn ngoại; Hai là, trở ngại từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; Ba là, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế.
Liên quan đến những thách thức này, giới đầu tư và tư vấn liệt kê ra nhiều hạn chế cản trở sự phát triển M&A tại Việt Nam. Chẳng hạn, về chất lượng doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là còn yếu, vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết mới ở mức 50-80 tỷ đồng, tương đương 2-4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5-10 triệu USD. Cùng với đó, tỷ lệ muốn nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức cao; nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp, trong khi nhà đầu tư ngoại thì muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động kinh doanh.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại thường nhắm đến đầu tư vốn cổ phần vào các doanh nghiệp có quy mô doanh thu hàng năm từ khoảng 15 triệu USD (hoặc 300 tỷ đồng) trở lên. Với các doanh nghiệp có doanh thu 200 tỷ đồng, thì phụ thuộc vào sự hấp dẫn của ngành nghề kinh doanh và tốc độ tăng trưởng dự kiến.
Cần đột phá
Giai đoạn 2014-2018, thị trường M&A Việt Nam được đánh giá là bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ hai với tổng giá trị có thể lên tới 20 tỷ USD. Động lực quan trọng của làn sóng thứ hai này là những cam kết cổ phần hóa của các DNNN lớn; sự trỗi dậy của các công ty tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A.
Rõ ràng cơ hội tăng giá trị M&A và thu hút vốn vào thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều. Để giá trị M&A đạt được ít nhất như năm 2016, giới chuyên môn cho rằng, thị trường cần cú hích mới và những nhân tố đột phá. Thị trường cần có thêm những nguồn hàng tốt hơn cho nhà đầu tư, trong đó việc giảm tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp là một cách. Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và gỡ các rào cản. Đồng thời, doanh nghiệp cần minh bạch hơn thông tin để nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu./.
Theo Xuân Thân (VOV.VN)