Đại học nào cho thế kỷ 21?
Mô hình nào cho giáo dục đại học (ĐH) trong thế kỷ 21 dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Các trường ĐH sẽ chuẩn bị như thế nào để đáp ứng với những đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0? Có cần xây dựng một mô hình ĐH 4.0 cho Việt Nam hay không?
Đó là những nội dung chính được các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế đưa ra thảo luận tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình đại học 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ 21” do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức ngày 20.7.
Các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế thảo luận cùng Giáo sư Gottfried Vossen, Trường ĐH Muenster về “Mô hình đại học 4.0 - Nền tảng giáo dục thế kỷ 21”
Đại học phải có nghiên cứu, sáng tạo
Giáo sư Gottfried Vossen, Trường ĐH Muenster (Đức) - ĐH có tuổi đời 237 năm, chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng và tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các trường ĐH cũng không nằm ngoài sự tác động và ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Ở Đức, cũng như trường của tôi, hiện nay không còn thầy giảng ghi bài trên bảng, sinh viên chăm chú nghe mà tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Và để có sự thay đổi này, yếu tố quyết định là ở người lãnh đạo có muốn thay đổi và có quyết tâm hay không. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chương trình đào tạo phải thay đổi như: game hóa bài giảng, huấn luyện kỹ năng, quản lý được số hóa; thành lập trung tâm nghiên cứu hệ thống thông tin châu Âu để thực hiện các dự án của doanh nghiệp đặt hàng và chọn 6 - 10 sinh viên thực hiện dự án; từ năm thứ 2 đã dạy sinh viên kiến thức khởi nghiệp.
Giáo sư Phạm Hoàng, ĐH Rutgers - một ĐH có tuổi đời 250 năm của Mỹ, cho biết: “Thực tế ở Mỹ chúng tôi ít nghe đến cái gọi là mô hình ĐH 4.0. Cái mà chúng tôi quan tâm đó là chất lượng, sinh viên ra trường có được khách hàng (doanh nghiệp) sử dụng hay không. Nếu 15.000 sinh viên ra trường mỗi năm mà chỉ 20% có việc làm, thì ngay lập tức hiệu trưởng phải từ chức”.
Theo Giáo sư Phạm Hoàng, hiện nay các nước châu Á đang đặt mục tiêu rất lớn, đó là lọt vào tốp những ĐH hàng đầu thế giới của những tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế. Vì vậy, vấn đề thách thức đó là tài chính và nghiên cứu khoa học. Nếu ĐH không nghiên cứu thì khó có thứ hạng, mà muốn nghiên cứu thì tài chính là chìa khóa. Vậy tài chính lấy từ đâu? Ở Mỹ, chính phủ cũng đang cắt giảm ngân sách, nhà trường chỉ được hỗ trợ 25% tài chính cho hoạt động. Do đó, nguồn tài chính còn lại là thu từ người học và từ các doanh nghiệp đặt hàng. Vì vậy mà sinh viên được tuyển chọn hỗ trợ khởi nghiệp trong 6 năm, nếu nghiên cứu có kết quả tốt sẽ được giữ lại cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác. Điều này cũng lý giải vì sao ở Mỹ học phí đắt nhất nhưng cũng là quốc gia chiếm tới 60% các học giả, các trường ĐH đạt giải Nobel. Giáo sư Phạm Hoàng cho biết thêm: “Để có chất lượng, chúng tôi luôn cập nhật chương trình đào tạo mới nhất sau mỗi năm học. Sinh viên phải có kinh nghiệm, trải nghiệm từ các doanh nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu, đặt hàng”.
Giáo sư Leon Shyue - Liang Wang (ĐH Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan) cho biết: “Với quyết tâm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho 12 đơn vị nghiên cứu mạnh và hiện nay chúng tôi xếp hạng 68 của thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy chưa hài lòng với kết quả này. Với quyết tâm phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng xanh, chúng tôi tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ở các trường ĐH”. Ở Đài Loan, 2/3 số trường là ĐH tư và trong giai đoạn từ năm 2001-2016 tỷ lệ sinh viên quốc tế tăng cao, doanh thu từ du học sinh của giáo dục ĐH đứng đầu so với các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác. Để nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng giáo dục ĐH, Đài Loan hiện đứng thứ tư ở châu Á về đầu tư cho giáo dục. Một thực tế khác buộc các trường ĐH của Đài Loan phải không ngừng nâng cao chất lượng để thu hút sinh viên quốc tế, đó là tỷ lệ sinh ở Đài Loan hiện rất thấp nên có ít sinh viên.
Vấn đề cấp bách cho Việt Nam
PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, đánh giá: “Giáo dục ĐH bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Người học trong bối cảnh này cũng đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục, để tránh nguy cơ bị đào thải”.
PGS-TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng một trường ĐH của thế kỷ 21 phải đáp ứng 7 yếu tố, trong đó vấn đề cốt lõi là phải có chất lượng trong đào tạo và nghiên cứu. Muốn có chất lượng đạt chuẩn quốc tế thì cần thay đổi chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, nghiên cứu ứng dụng và không ngừng sáng tạo. Bên cạnh đó, việc đổi mới cách quản lý, cơ chế tài chính, tuyển dụng nhân sự cũng là những yếu tố then chốt.
Tại Việt Nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường tiên phong trong việc xây dựng đề án phát triển ĐH theo “Mô hình giáo dục 4.0”. Đây cũng là ĐH đầu tiên có đề án trình Bộ GD-ĐT và Chính phủ về việc nghiên cứu mô hình giáo dục ĐH 4.0. Từ đề xuất của trường, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo đưa vào chương trình nghiên cứu cấp nhà nước đề tài nghiên cứu Giáo dục ĐH 4.0 để xây dựng nền tảng khoa học cho chính sách giáo dục ĐH trong thời gian tới.
Theo THANH HÙNG (SGGP)