Sâu bệnh phát sinh gây hại lúa vụ Thu
Hiện nay, lúa vụ Thu đang bị rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn... phát sinh gây hại cục bộ ở một số địa phương trong tỉnh.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra sâu bệnh hại lúa tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Ảnh: ĐINH VĂN TOẠI
Theo số liệu từ các địa phương, bệnh khô vằn đang phát sinh gây hại trên 165 ha lúa Thu giai đoạn đòng trổ đến chắc xanh ở Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, An Nhơn với tỉ lệ bệnh từ 10 - 40%. Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại lúa Thu giai đoạn từ đòng trổ đến ngậm sữa ở An Nhơn và Hoài Ân với mật độ từ 750 - 3.000 con/m2. Sâu đục thân bướm 2 chấm gây bông bạc cục bộ trên 7 ha lúa Thu ở An Nhơn và Hoài Ân. Sâu cuốn lá nhỏ đang nở rộ, gây hại cục bộ trên lúa Thu giai đoạn đòng trổ ở Hoài Nhơn, mật độ từ 10-20 con/m2. Chuột gây hại trên 20 ha lúa Thu ở Hoài Ân với tỉ lệ gây hại từ 2,5-5%...
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đối với sâu đục thân gây hại lúa Thu giai đoạn đẻ nhánh, có thể rải một trong các loại thuốc dạng hạt như Regent 0,3G, Diazan 10H… liều lượng từ 1 - 1,5 kg thuốc/sào (500 m2), kết hợp giữ mực nước trong ruộng từ 5 - 7 cm; lúa Thu giai đoạn đòng trổ, phun một trong các loại thuốc đặc hiệu như Virtako 400WG, liều lượng 3g thuốc pha với 16 lít nước phun 1 sào; Regent 800WG hoặc Tango 800WG, liều lượng 2 - 3g thuốc pha 24 lít nước/sào. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát khi sâu non nở rộ (hoặc khi lúa trổ lác đác); nếu mật độ cao, phun lại lần 2 cách lần 1 từ 4 - 5 ngày. Đối với sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa Thu, phun một trong các loại thuốc đặc hiệu như Virtako 400WG, liều lượng 3g thuốc pha với 16 lít nước/sào; Dupont Prevathon 5SC, liều lượng 15 ml thuốc pha 16 lít nước/sào.
Bệnh khô vằn, sử dụng Validacin 3L, liều lượng 75 - 100 ml thuốc pha với 24 lít nước, hoặc Anvil 5SC, 50 ml thuốc pha với 24 lít nước/sào. Bệnh thối thân, thối gốc lúa, dùng 30g thuốc Staner 20WP hỗn hợp với một trong các loại thuốc như Anvil 5SC (75 - 100 ml), Nevo 330EC (30 ml), Amistar Top 325SC (30 ml) pha với 32 lít nước/sào. Phun thuốc 2 lần, lần 1 khi lúa làm đòng; phun lại lần 2 sau khi lúa trổ đều để duy trì hiệu lực của thuốc. Chú ý, rút cạn nước trước khi phun thuốc; sau khi phun thuốc 1 ngày có thể cho nước vào ruộng trở lại.
Bệnh lem lép hạt, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Nevo 330SC, liều lượng 20 ml thuốc pha với 24 lít nước/sào; Tilt Super 300EC, 20 ml thuốc pha với 24 lít nước/sào (nên phun kép 2 lần, lần 1 lúa trổ lác đác; lần 2 lúa trổ đều và phun vào chiều mát).
ĐINH VĂN TOẠI