TKV đề nghị xây dựng biểu đồ cấp than cho nhiệt điện
Để bảo đảm thị trường tiêu thụ trong dài hạn, TKV đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than làm cơ sở cho các đơn vị khai thác than, nhà máy nhiệt điện chủ động trong kế hoạch dài hạn.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết hiện Tập đoàn đang gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng cung cấp than với chủ đầu tư nhà máy điện theo danh mục đã phê duyệt.
Cụ thể, đến thời điểm hiện nay TKV mới ký được 9 hợp đồng dài hạn với các nhà máy điện và chưa thống nhất được giá mua than. Thậm chí, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa thống nhất được hợp đồng mua bán than năm 2017…
Để giải quyết khó khăn trong tiêu thụ than, TKV đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017. Việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc) cho EVN và Petro Vietnam chỉ thực hiện từ năm 2018.
TKV còn kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này giúp TKV tiêu thụ than tồn và sản lượng tăng thêm.
Cho phép TKV xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để chủ động sản xuất tiêu thụ và cân đối tài chính.
Đặc biệt, để đảm bảo thị trường tiêu thụ trong dài hạn, TKV còn đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than làm cơ sở cho các đơn vị khai thác than cũng như các nhà máy nhiệt điện chủ động trong kế hoạch dài hạn.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trước mắt Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ yêu cầu EVN chưa thực hiện mua than của các nhà cung cấp khác (ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc) trong năm 2017, tập trung ký hợp đồng tiêu thụ than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Đồng thời có lộ trình, cơ chế xây dựng thị trường than đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành than. Khi có thị trường than, TKV và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chi phí giá thành than khai thác trong nước, thuế suất thuế tài nguyên môi trường, giúp giá than trong nước bình đẳng hơn trong cạnh tranh.
Về xuất khẩu than, Bộ Công Thương cũng đã tạo thuận lợi tối đa, nhưng bên cạnh khó khăn do giá thành, xuất khẩu gặp khó do vướng phải hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc về lượng phốt pho tồn dư trong than, nên hiện tại ngành than chỉ trông đợi thị trường trong nước.
Theo TKV, năm nay, về cơ chế, chính sách cũng có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho ngành than, nhất là để giảm lượng than tồn kho. Bởi bắt đầu từ cuối năm 2016, Chính phủ đã chính thức cho phép TKV tăng sản lượng xuất khẩu đối với các loại than chất lượng cao mà hiện tại thị trường nội địa chưa có nhu cầu hoặc có nhu cầu rất thấp trong giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, TKV căn cứ vào tình hình sản xuất, tỷ lệ cung - cầu để cân đối sản lượng than xuất khẩu.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)