Doanh nghiệp phản đối, lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng
Phía người sử dụng lao động cho rằng không nên tăng lương tối thiểu vùng 2018 và nếu buộc phải tăng chỉ nên tăng dưới 5%.
Ngày 21.7, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chương trình Đối thoại với doanh nghiệp về Tình hình thực thi pháp luật lao động. Một trong những vấn đề được đưa ra thảo luận sôi nổi nhất là tăng lương tối tiểu vùng 2018.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí, cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như gần đây. Bà Hà cho hay, thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập người lao động vẫn giảm vì phải tăng mức đóng BHXH và công đoàn phí.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng không nên tăng lương tối thiểu vùng 2018. (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm trên, Phó giám đốc công ty May 10, ông Thân Đức Việt kiến nghị không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 khi năm 2016 đã tăng 12,4% so với 2015 và năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. “Chúng tôi mong muốn không tăng, nếu tăng thì phải tăng hợp lý, chỉ dưới 5%, đảm bảo mức chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay ngành may mặc, quỹ tiền lương chiếm khoảng 60% tổng chi phí. Nếu như tiếp tục tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành”.
Nói thêm về vấn đề này, ông Việt cho rằng tăng lương là bài toán khó với doanh nghiệp. Trong khi sức tiêu dùng hiện nay không tăng, thì không thể tăng lương vì sẽ dẫn đến giá sản phẩm tăng. Hơn nữa, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định, thì lương tối thiểu mà công ty đang trả cho người lao động là hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng như năm 2017, tiền đóng BHXH và các phí khác của công ty đã ngấp nghé 22 tỷ đồng.
"Quỹ lương hàng tháng công ty đang trả là 60 tỷ đồng/tháng trong khi lợi nhuận cả năm công ty chỉ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng, thì những công ty sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực may mặc sẽ tiếp tục đẩy chi phí của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh", ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề này, ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết: Hội đồng tiền lương quốc gia mới họp 1 phiên và các bên đưa ra các mức tăng khác nhau, trong đó Tổng Liên đoàn đề nghị mức tăng hơn 13% và VCCI đề nghị mức tăng khoảng 5%. Việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ dựa trên sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm; Doanh nghiệp đảm bảo mức chi phí sản xuất; Người lao động đảm bảo quyền lợi với mức sống tối thiểu.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Không chỉ riêng các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đối thoại kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng, mà một số hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI cũng đã kiến nghị không tăng lương.
Tất cả ý kiến của doanh nghiệp đang được bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp nhận, phân tích để có cái nhìn tổng thể. Việc tăng lương tối thiểu sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng… Việc đảm bảo mức sống tối thiểu đã được quy định trong Luật Lao động và căn cứ trên thực tế, vì vậy, lương tối thiểu vùng năm 2018 vẫn sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu sẽ quyết định tại phiên họp Hội đồng Tiền lương sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này./.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)