Trở lại miền Nam - Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Ông nói mơ ước cuối cùng của cuộc đời ông là được một lần trở lại miền Nam. Ðiều đó chẳng quá khó khăn vì ông còn khỏe, vào Nam giờ không phải như cái thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Suốt những năm qua, cứ mỗi lần ngồi xem ti vi chiếu lại những bộ phim tư liệu về ngày giải phóng miền Nam, mắt ông trông như đang được sống lại một thời trai trẻ. Trong đôi mắt vốn ngày thường chậm chạp u buồn ấy giờ bỗng linh hoạt hơn, lúc thì hừng hực lửa lúc lại rưng rưng đau đớn.
Bố nhiều lần nhìn thấy cảnh tượng đó đã không kìm được lòng mình, tính đưa ông trở lại chiến trường năm xưa. Nhưng lúc ấy bệnh cao huyết áp có thể cướp bà đi bất cứ lúc nào, nên ông không dám rời bà nửa bước. Nhiều đêm tĩnh lặng, khi bà đã ngon giấc, ông lại thao thức chuyện ngày xưa. Chiến tranh qua lâu rồi, cũng chẳng cần phải khơi lại những mất mát đau thương làm gì. Chỉ có điều ông chẳng thể nào yên lòng khi bao nhiêu đồng đội của ông vẫn còn nằm lại, lẫn trong cỏ cây miền Nam…
* * *
Tôi sẽ là người đồng hành cùng ông trong chuyến trở về này. Không đơn thuần chỉ là đi theo chăm sóc ông mà vì tôi trẻ, tôi tự thấy lòng mình thiếu lửa và biết đâu ông lại chính là người thắp lửa cho tôi.
Ông bảo: Ông muốn được ngả mũ chào đồng đội từ trên cao. Muốn được đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của ông và cũng là nơi đồng đội ông còn nằm lại rất nhiều.
- Hồi phổ thông, những trang sách giáo khoa có kể với cháu về nhiều trận đánh. Trận tập kích hỏa lực pháo binh và không quân vào sân bay Tân Sơn Nhất năm 1975 chỉ còn đọng lại trong đầu cháu bằng vài gạch đầu dòng ông ạ.
- Lịch sử đã làm xong phận sự của nó…
Ông buông từng câu chữ như người nghệ sĩ cải lương vừa ca xong một khúc rút ruột tâm tình. Có bi thương buồn khổ, có hào hùng oanh liệt, có nhẹ nhõm và đớn đau day dứt. Tôi cảm nhận trong ông nỗi nhớ đồng đội, nhớ mảnh đất từng đi qua, nhớ bầu trời nơi ông từng chiến đấu vẫn còn day dứt lắm. Bà mất, lòng ông càng hiu quạnh. Nhiều chiều thấy ông ngồi ngoài hiên mải mê góp nhặt trong lòng mình kí ức. Gần bốn mươi năm trôi qua bố tôi vẫn nhẹ nhàng từng bước chân chỉ sợ đánh thức ông khỏi dòng chảy kí ức ấy. Ông là ngọn nến dù leo lắt trước gió trời nhưng vẫn đủ khơi dậy ngọn lửa của sự ấm áp và bền bỉ.
Ngay khi đặt vé máy bay cho hai ông cháu, không hiểu sao tôi thấy nghẹn lòng trước từng cơn ho khan của ông vì thời tiết. Bom đạn không làm ông sợ vậy mà giờ đây mấy cơn gió đổi mùa thổi ngang qua cũng làm ông mất giấc cả đêm, người toàn mùi dầu gió. Khi sắp hành lý cho một chuyến đi chưa hẹn trước ngày về ông nói chỉ cần bộ quần áo bộ đội, cái mũ cối đã bạc và đôi dép cao su.
- Ðồng đội ông nằm đâu đó dưới vùng trời rộng lớn, nhiều người còn không có lấy một nấm mộ ghi tên. Nên ông cũng đâu cần gì nhiều khi đi thắp những nén hương cho đồng đội.
Tôi nhìn dáng ông trong lưng áo bộ đội bạc màu chợt thấy tuổi trẻ của mình đã trôi đi vô nghĩa. Bao nhiêu được mất hơn thua trong vòng xoáy cuộc đời từng mang ra đắp đổi, rồi cũng trống rỗng vậy thôi. Tôi đã từng tự hỏi tại sao ngọn lửa tuổi trẻ mình đã bao lần tự thắp trong lòng rồi cũng vụt tắt rất nhanh. Giờ thì tôi hiểu rằng vì khát vọng của tôi nhỏ bé đến tầm thường. Tôi cần để lòng mình nghỉ ngơi để tự gạn đục khơi trong bằng chính chuyến đi này. Bởi lỡ hẹn với Sài Gòn đã lâu trong một cuộc tình dang dở. Nó hẳn nhiên sẽ khác với tâm trạng của ông sau gần bốn mươi năm quay trở lại vùng đất ấy. Nơi ông đã cồn cào nhớ nhung biết chừng nào trong từng bữa ăn giấc ngủ. Như thể nỗi buồn của kẻ nhung nhớ cố hương…
Ông ngơ ngác giữa sân bay đông đúc trong lúc tôi đứng chờ làm thủ tục gởi hành lý. Nhìn ông từ xa trong bộ quần áo như mỗi ngày mỗi rộng hơn đủ để thấy năm tháng đã làm ông tiều tụy đi nhiều. Chắc hẳn khi máy bay cất cánh ông sẽ càng nhỏ bé trước bầu trời rộng lớn trên kia. Tôi không làm sao dứt bỏ được cái suy nghĩ nhói lòng rằng một ngày nào đó ông sẽ nằm trên cánh tay tôi nhẹ bẫng. Lúc ấy ngay cả linh hồn ông cũng chắc gì cháu con giữ được, ông sẽ về với đồng đội của ông trong đất trời và mây ngàn rộng lớn.
Cuộc chiến tranh ấy đã kết thúc và nằm im lìm trong những trang sách lịch sử. Nhưng tôi biết nó chưa bao giờ nguôi ngoai mất mát trong tâm trí ông và đồng đội. Dù mỗi sớm mai thức dậy có nghe chim hót, có ngắm hoa nở, có tha thiết yêu đời từ cuộc sống đang mỗi ngày mỗi đổi thay này. Cũng đúng thôi vì chiến tranh tuy đã kết thúc nhưng nó mãi mãi không trả lại ông những tháng năm tuổi trẻ, mãi mãi không có lời hồi đáp khi trong một giấc trưa nào đó ông khản cổ gọi tên đồng đội của mình.
Mà chuyến bay đã sắp đến giờ khởi hành, ông cháu mình đi thôi. Sài Gòn đang đợi…
Máy bay lướt trên đường băng rồi nghiêng mình cất cánh bay vút lên bầu trời trong một ngày cuối tháng bảy nắng như chưa bao giờ tươi đẹp thế. Ông ngồi vững vàng đúng tư thế của một người lính quay đầu nhìn ra cửa sổ. Ông ơi Hà Nội chỉ còn nhỏ xíu dưới kia thôi và mây trắng đang bồng bềnh ngay bên cạnh. “Ðẹp quá!” ông thốt lên khe khẽ, xòe bàn tay bên cửa sổ như muốn hứng mây trời. Ta đang trôi giữa những tầng mây, giữa dọc dài đất nước ông ạ, bồng bềnh nhẹ nhõm như lòng cháu lúc này. Tôi nghĩ vậy rồi khẽ nhắm mắt thiếp đi sau những ngày dài mất ngủ vì bao nỗi muộn phiền và cũng một phần vì lo lắng cho sức khỏe của ông trong một chuyến đi xa.
- Cháu ơi, chúng ta đang bay đến đâu rồi? Liệu có bay qua dãy Trường Sơn không cháu?
Tôi mở mắt bắt gặp ánh mắt ông đau đáu chờ đợi ở cô tiếp viên một câu trả lời. Như chợt hiểu, cô gái trẻ khẽ mỉm cười:
- Dạ thưa…
- Cảm ơn cháu, ông biết rồi, hẳn là chúng ta đang bay qua dãy Trường Sơn.
Nói rồi ông bỏ mũ ôm bên ngực trái, khẽ cúi đầu khi nhìn qua cửa kính, mắt ông nhòe nước. Có bao người ông từng gặp trên dãy Trường Sơn trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Cùng trèo đèo lội suối, cùng ngồi nghỉ chân dưới một tán cây trong tiếng gầm gào của quân thù ở trên đầu, cùng chia nhau từng mảnh lương khô. Có người chỉ kịp cúi đầu chào nhau, vỗ vai nhau, cười với nhau một tiếng giữa cuộc hành quân gấp gáp. Cũng có khi cúi đầu trước một nấm mồ chôn vội ở ven đường không khói hương, không cả lời khóc than đưa tiễn mà biết đâu đó chỉ một lúc sau thôi đạn bom của quân thù sẽ dội xuống chính nơi người vừa nằm xuống ấy. Tất cả đều gói gọn vào hai chữ thiêng liêng “đồng đội”. Hẳn là ông đang cúi chào đồng đội của mình ở trên cao. Cúi chào những người mãi nằm lại nơi đại ngàn hòa vào từng bông hoa ngọn cỏ. Ông nói họ đang hát vang, tiếng hát rất hào hùng cháu có nghe thấy không nào? Bài hát ấy hẳn vẫn rung lên từng nhịp trong lồng ngực của ông. Bài ca chiến thắng, bài ca hy vọng, bài ca của tình đoàn kết và ý chí quật cường. Chiến tranh đã qua mấy mươi năm rồi ông ạ. Giữa những hố bom cây cũng đã mọc lên xanh tốt. Bao trận địa từng ngổn ngang tàn tích giờ nhà cửa mọc lên, mùa màng tốt tươi, con người đang ra sức vun trồng cho một tương lai tốt đẹp. Nỗi đau đã lắng lại, đã thiêm thiếp ngủ cả trong tim những người mất đi một phần máu thịt. Qua cửa kính chỉ một màu mây trắng. Ông ơi…
- Ông muốn cài một cành hoa trước ngực cho tất cả những đồng đội của mình.
- Cháu đã thấy những bông hoa ấy nở trên ngực họ. Nó rất đẹp.
Ông vỗ nhẹ vào tay tôi, hình như ông vẫn chưa qua cơn xúc động. Bàn tay ông ấm quá khiến lòng tôi thổn thức. Bàn tay này đã ôm ấp chở che tôi từ thuở ấu thơ, uốn nắn tôi lên người bằng những lằn roi nghiêm nghị. Ngày bà và mẹ đi làm xa, cũng chính bàn tay ông vỗ về an ủi những tủi hờn tức tưởi của đứa trẻ lên mười nhiều vụng dại. Ông từng cồng kênh tôi trên đôi vai vạm vỡ, tay giữ chặt đứa cháu nhỏ đi khắp đầu làng cuối xóm. Tôi bám chặt vào cổ ông hào hứng nghe ông hát những bài hát hào hùng. Giờ bàn tay ông run run đang vỗ vào vai tôi như nức nở. Tôi ước gì chuyến bay này không chỉ mang ông tôi trở về kí ức, mà còn có thể giúp ông trẻ lại…
- Chúng ta sắp đến Sài Gòn chưa?
- Chỉ nửa tiếng nữa thôi là máy bay hạ cánh. Ông muốn đến đâu đầu tiên ạ?
- Nghe nói sân bay Tân Sơn Nhất giờ đã mở rộng và đẹp lắm đúng không cháu? Nơi đó gần bốn mươi năm trước từng có một trận chiến tàn khốc nhưng cũng vô cùng hào hùng. Ðại đội cao xạ của ông đã nổ súng vào sáng 29.4, lúc dồn dập lúc cầm canh để đợi các đoàn quân từ khắp mọi ngả kéo vào nội đô. Trận đó cùng với phi đội máy bay ném bom, bọn ông đã thắng lớn lắm. Phá hủy nhiều máy bay, đường băng, đài chỉ huy của địch. Một chiến thắng mà đã bao ngày đêm mong mỏi…
Ðây rồi! Tôi đã thấy ông của những tháng ngày tuổi trẻ hừng hực sức sống và nhiệt huyết. Cả khoang máy bay im lặng nhìn ông đang ôn lại một trận chiến hào hùng của lịch sử trước giờ rất nhiều người trong số họ chỉ mới nghe qua sách vở. Ông là một nhân chứng sống động của lịch sử đủ làm cả chuyến bay trở nên ý nghĩa. Ai đó vừa bắt nhịp cho một bài ca chiến thắng. Và họ hát trong một ngày 30.4 đang bay trên bầu trời nắng đẹp. Ông ơi. Sài Gòn ở ngay trước mắt chúng ta rồi…
V.T.H.T