Tây Sơn: Sạt lở, xâm thực ở bờ sông Kôn
Những năm gần đây, hàng trăm hộ gia đình sống dọc ven bờ sông Kôn thuộc huyện Tây Sơn, luôn thấp thỏm lo âu vì bờ sông bị sạt lở, xâm thực, nhất là vào mùa mưa, lũ.
Canh cánh nỗi lo lở bờ sông
Tại xã Tây Thuận, gần 3 năm nay, hàng chục hộ dân ở các xóm 1, 2, 3 và 4 ở thôn Hòa Thuận, luôn đối mặt với nỗi lo bờ sông bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng. Chừng 7ha đất canh tác dọc triền sông của bà con đã bị “hà bá” nhấn chìm. Nhiều ngôi nhà hiện cách mép bờ sông chỉ 3 - 4m. Theo người dân địa phương, chừng10 năm trước, khoảng cách từ bờ sông đến đất canh tác gần 10m; nhưng từ 3 năm trở lại đây, mỗi năm nước lũ xâm thực, ăn sâu vào bờ từ 1 - 2m. Nay thì, bờ sông đã tiến sát và cuốn đi nhiều phần đất canh tác.
Nhiều ngôi nhà của bà con ở thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang nằm bên mép sông Kôn luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở bờ sông.
Tương tự, 50 hộ dân ở thôn Hòa Trung (xã Bình Tường) sống dọc sông Kôn cũng đang bị nạn xâm thực đe dọa mỗi ngày. Vệt xâm thực kéo dài gần 2km và tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nặng nhất ở xóm 6, 7 và xóm 8. Để cứu mình và giữ lấy đất canh tác, nhiều hộ dân đã tự gia cố bờ sông bằng cách trồng tre, trúc, rù rì. Tuy nhiên, mỗi mùa lũ về, nước lại cuốn phăng đi tất cả.
Sống trong vùng đê sông Véo (một nhánh sông Kôn), nhưng 452 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu ở thôn Trường Ðịnh 1, xã Bình Hòa cũng đang bị nạn xâm thực uy hiếp. Nhà, đất canh tác đều nằm ở ven sông, nên vào mùa mưa lũ mỗi năm, hàng trăm hộ dân ngay ngáy lo nước lũ dâng cao làm ngập nhà cửa, “hà bá” gặm dần bờ sông rồi tiến dần vào nhà. Đợt lũ lụt cuối năm 2016 đã gây ra vỡ đê, nhưng chính quyền địa phương đã huy động lực lượng kịp thời để hàn khẩu bờ đê. Còn tại xã Tây Giang, bờ sông Kôn qua xóm 2, xóm Chài (thôn Tả Giang 1) và thôn Hữu Giang, cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của trên 50 hộ dân. Một người dân sống ở xóm 2, thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang, nhận xét: “2 năm nay, lũ lụt xảy ra triền miên, nên nạn xâm thực, xói lở bờ sông Kôn diễn ra dữ dằn hơn. Cứ đà này, chừng 2 - 3 năm nữa, nhà cửa, đất đai của bà con ở đây chắc nằm dưới đáy sông cũng nên. Chúng tôi tha thiết mong huyện, tỉnh và Trung ương sớm quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống mái kè bằng vật liệu bê tông, cốt thép để dân an tâm an cư, lạc nghiệp”.
Bờ sông Kôn qua xóm 3 thuộc thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận đang bị sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều đất canh tác dọc triền sông của người dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tây Sơn, bờ tả và bờ hữu sông Kôn dài gần 40km. Từ năm 2010 đến nay, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện đã làm được 7km kè chống sạt lở sông Kôn, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với tiến độ bờ sông bị xâm thực, xói lở đang diễn ra nhiều nơi như hiện nay. Trong đó, có một số đoạn ở vị trí xung yếu như: đoạn qua thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận), thôn Tả Giang 1 (xã Tây Giang), thôn Hòa Trung (xã Bình Tường) hoặc đê sông Véo, Văn Chấn, xã Bình Hòa hay sông Đá Hàn (nhánh sông Kôn), đoạn qua thôn Phú Thọ (xã Tây Phú); nếu không đầu tư xây dựng kè kịp thời dễ gây mất an toàn, đe dọa đến tính mạng, tài sản của dân.
Gia cố phân kỳ, ưu tiên vùng xung yếu
“Tuy nhiên, do kinh phí ngân sách có hạn, UBND huyện phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các đoạn đê cấp thiết, xung yếu, có nguy cơ vỡ cao”- ông Sơn nói thêm. Hiện, huyện đã kiến nghị tỉnh đưa các công trình như kè sông Kôn qua khu dân cư các thôn: Hòa Thuận, Tả Giang 1, Hòa Trung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Riêng 3 công trình kè chống xói lở ở thôn Phú Thọ (xã Tây Phú), ở 2 xã Bình Hòa - Bình Nghi và đê sông Véo đã được đưa vào chương trình tái thiết sau thiên tai; đến nay đã xong phần hồ sơ thiết kế và dự kiến thi công trong năm 2017 - 2018. Bên cạnh đó, huyện đang đầu tư gần 8 tỉ đồng để xây dựng kiên cố 1.213m kè sông Kôn qua khối Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong) nhằm bảo vệ cho trên 12.000 người sống tại đây. Dự kiến, công trình đảm bảo vượt lũ an toàn vào cuối tháng 8.2017 tới.
Ngoài các điểm xung yếu trên- theo đánh giá của UBND huyện Tây Sơn - cũng còn nhiều điểm đê sông Kôn sạt lở, nhưng huyện không đủ kinh phí để kiên cố hóa cùng một lúc. Bà Nguyễn Thị Thống, Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn, cho biết giải pháp: “Đối với hộ dân sống trong khu vực bị sạt lở nhưng chưa được đầu tư kinh phí xây dựng đê kè kiên cố, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động kiểm tra, chuẩn bị bố trí trước địa điểm di dời dân trong những trường hợp cần thiết, cắm biển báo vùng có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động đề phòng và sơ tán kịp thời. Đồng thời, bố trí các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men và lương thực theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống chi tiết cho những vùng trọng điểm, vùng xung yếu khi có mưa lũ xảy ra”.
TRỌNG LỢI