Hồ sơ, kỷ vật trở về quê hương
Sau mấy chục năm xa cách, những bộ hồ sơ, kỷ vật trở về với cán bộ, chiến sĩ đi B (chiến trường miền Nam) và thân nhân trong niềm xúc động. Trong không khí hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, mỗi hồ sơ, kỷ vật tiếp tục nhắc nhớ về một thời hào hùng, sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của thế hệ cha anh.
Ngày trở về
Sáng 21.7, thương binh Đặng Văn Thắng (62 tuổi) và Trần Xuân Phương (63 tuổi), cùng ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, bùi ngùi nhận lại bộ hồ sơ của chính mình của hơn 40 năm về trước. Lần giở lại từng bản sao chứng thực của thẻ cán bộ, phiếu cán bộ, quyết định chuyển chế độ đi B, lý lịch..., hai người lính đều hồi hộp. Ký ức một thời tuổi trẻ gan dạ sống lại. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ lên đường vào chiến trường khốc liệt, không ngại gian khổ, hy sinh.
Thương binh Đặng Văn Thắng (bìa trái) và Trần Xuân Phương (thứ hai từ trái sang) lần giở lại bộ hồ sơ một thời của mình.
“Tôi không ngờ, hồ sơ chúng tôi gửi lại ngày ấy vẫn còn được lưu giữ cẩn thận sau ngần ấy năm và có ngày trở về với mình. Cảm giác chạm vào từng tờ giấy như chúng tôi đang chạm vào quá khứ hào hùng của bản thân, vào lịch sử. Nó là minh chứng của cuộc kháng chiến thần kỳ, quyết tâm của thế hệ chúng tôi đối với lời kêu gọi của Tổ quốc”, ông Thắng tâm sự.
Nhưng không phải bộ hồ sơ nào cũng may mắn tìm lại được chủ nhân sau hàng chục năm xa cách. Rất nhiều bộ hồ sơ đang được trao gửi cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ đi B. Qua mỗi bộ hồ sơ, con, cháu, vợ của cán bộ đi B như thấy lại chồng, cha, ông của mình. Ôm bộ hồ sơ của chồng - ông Huỳnh Văn Nhạn - trong lòng, bà Phạm Thị Lành (81 tuổi, ở thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết: “Gia đình tôi sẽ lưu giữ những giấy tờ này để con cháu phần nào hình dung về cuộc đời chiến đấu của cha, ông. Từ đó, biết tự hào, biết phấn đấu, nỗ lực học tập, đóng góp cho quê hương”.
Đối với ông Nguyễn Xuân An (65 tuổi, ở thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), bộ hồ sơ vừa nhận lại có ý nghĩa lớn lao. Cha của ông, cụ Nguyễn Xuân Lan (bí danh là Luận) tập kết ra Bắc năm 1953, khi ông vừa tròn 1 tuổi. Sau đó, cụ tình nguyện vào chiến trường miền Nam để chiến đấu và hy sinh trong trận đánh giải phóng TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ngày 14.3.1975. Với ông An, cha mãi nằm trong hình dung qua lời kể của mẹ chứ chưa từng rõ mặt. Và bộ hồ sơ được bàn giao đã cho ông một cuộc gặp gỡ với đấng sinh thành.
Ông Nguyễn Xuân An cẩn thận xem từng tấm ảnh trong bộ hồ sơ của cha mình, liệt sĩ Nguyễn Xuân Lan.
“Hơn 40 năm qua, bàn thờ cha tôi không có ảnh. Đến hôm nay, giở bộ hồ sơ vừa được trao trả, tôi thấy một xấp ảnh trắng đen đủ kích cỡ mà lòng vui khôn tả. Chắc chắn trong số ảnh chân dung, ảnh tập thể này có ảnh cha tôi. Trong gia đình, người của thế hệ cha, biết mặt cha đã không còn, tôi sẽ mang ảnh đến nhờ những người lớn tuổi trong thôn, xóm để nhận diện giúp. Mong ước tìm được một tấm ảnh thờ của cha sắp trở thành hiện thực”, ông An bùi ngùi chia sẻ.
Nỗ lực tìm kiếm, liên lạc với thân nhân
Hoạt động trao trả hồ sơ cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ đi B được xem là cuộc trao trả mang tính lịch sử nhằm phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, thể hiện tình cảm “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Trưởng phòng Lưu trữ lịch sử Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (Sở Nội vụ), toàn tỉnh có 4.713 hồ sơ, kỷ vật được bàn giao về địa phương để trao trả đợt này. Mỗi hồ sơ có thể gồm một trong các giấy tờ: bản khai lý lịch cá nhân, quyết định điều động, chứng minh thư, thẻ đảng viên, thẻ đoàn viên, thư gửi người thân, lưu bút, ảnh, nhật ký, sổ tiết kiệm, tiền, vàng... Trong đó, các giấy tờ được trao trả dưới dạng bản sao chứng thực, còn các kỷ vật sẽ được trao trả bản gốc.
“Dù mỏng hay dày, dù là giấy tờ hay kỷ vật, mỗi bộ hồ sơ đều có ý nghĩa quý giá đối với chính cán bộ, chiến sĩ và thân nhân của họ. Qua đó, giúp các gia đình hoàn thiện hồ sơ hoặc địa phương có thêm căn cứ thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng”, ông Nhật trao đổi.
Tuy nhiên, do thời gian lưu trữ đã lâu, hoạt động tìm kiếm, thông tin đến thân nhân, gia đình cán bộ, chiến sĩ đi B gặp không ít khó khăn. Nhiều bộ hồ sơ vẫn không tìm thấy gia đình khi địa phương chưa thể xác định, tìm kiếm được thân nhân. Cho đến nay, hầu hết các địa phương đều mới chỉ xác minh được một phần trong số hàng trăm hồ sơ được bàn giao. Như huyện Tuy Phước, ngày 21.7, chỉ mới thực hiện trao trả 148/632 hồ sơ. Số còn lại, UBND huyện tiếp tục lưu trữ và sẽ bàn giao sau khi xác minh, liên lạc được với thân nhân.
NGUYỄN MUỘI