Tội phạm giảm, mức độ nguy hiểm gia tăng
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2017, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Song quy mô, tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nguy hiểm, gây khó khăn cho công tác phòng ngừa và bất an trong nhân dân.
Giảm số vụ, tăng mức độ hành vi
Theo thống kê của ngành chức năng, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 209 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ giảm 37%. Đáng chú ý, một số loại tội phạm giảm đáng kể như giết người giảm 77,8%; cướp tài sản giảm 71%; cố ý gây thương tích giảm 66%; cướp giật tài sản giảm 21%. Tuy nhiên, thượng tá Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh, nhận định: “Số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội có giảm, nhưng xét về thủ đoạn, hành vi thì ngày một tăng, tính chất, mức độ cũng nguy hiểm hơn. Ví như tội giết người tuy có giảm nhưng một số đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thể hiện bản chất côn đồ, quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng trong đó có một số đối tượng chưa thành niên. Hay như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy chiêu thức không mới song đã biến tướng nên nhiều người dân vẫn sập bẫy; tội phạm công nghệ cao cũng manh nha”.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã điều tra, khám phá 196 vụ, bắt, xử lý 234 đối tượng, đạt tỉ lệ 93,8%; triệt xóa 36 băng nhóm, 114 đối tượng; bắt, xử lý 6 vụ với 28 đối tượng cờ bạc; bắt, vận động đầu thú 51/109 đối tượng truy nã. Tuy tỉ lệ phá án cao song đáng lo là tình hình phạm tội ở khu vực nông thôn ngày càng diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm ma túy, với nhiều đối tượng cùng tham gia sử dụng và buôn bán; tội phạm về phá hủy rừng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tình hình khiếu nại, tranh chấp về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, kinh doanh thương mại còn diễn biến phức tạp.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân của tội phạm diễn biến phức tạp chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục, đấu tranh phòng chống tội phạm, công tác hòa giải ở cơ sở một số nơi chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, vẫn còn tư tưởng cho rằng công tác đảm bảo ANTT là của riêng lực lượng công an.
Nhiều biện pháp ngăn chặn
Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, cảm hóa, giáo dục, quản lý người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; tăng cường mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giúp đỡ những người sau cải tạo được hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm; xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm...
Thời gian qua, nhiều ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT, cam kết không vi phạm pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh đã có 265 mô hình tự quản, tự phòng về ANTT, không vi phạm pháp luật hoạt động hiệu quả; riêng từ đầu năm đến nay, đã có thêm 20 mô hình mới đi vào hoạt động. Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Việc xây dựng các mô hình ANTT rất đáng hoan nghênh vì không chỉ góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa ra cộng đồng. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương theo dõi việc triển khai thực hiện mô hình, sơ kết đánh giá nhằm kịp thời uốn nắn, hướng dẫn, giúp đỡ để các mô hình phát huy hiệu quả, góp phần cùng ngành Công an giữ gìn ANTT, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ”.
Bên cạnh đó, ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các hội thi, hội diễn và các phiên tòa lưu động, để mọi người dân nắm bắt các quy định của pháp luật cũng như các thủ đoạn hành vi vi phạm của bọn tội phạm để phòng ngừa. Song, tội phạm luôn gây bất ngờ và manh động nên ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân nên tuân thủ pháp luật, để góp phần chung vào công tác đấu tranh, phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
K.ANH