Vua Minh Mạng cho xây pháo đài Hổ Cơ ở cửa biển Thị Nại
Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt – Lâm Đồng) là một kho tư liệu quý và đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại. Đây là dạng tài liệu quý hiếm và có độ chính xác cao. Trong rất nhiều nội dung mà khối tài liệu này đang hàm chứa có việc vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Hổ Cơ ở cửa biển Thị Nại (Bình Định) để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Mộc bản triều Nguyễn phản ánh việc vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Hổ Cơ ở cửa biển Thị Nại.
Qua Mộc bản triều Nguyễn, chúng ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về việc xây dựng hai pháo đài có vị trí chiến lược quan trọng này.
Thời kỳ triều Nguyễn trị vì đất nước, tỉnh Bình Định được quan tâm bởi đây là một vùng trọng địa của đất nước. Do đó, các vua triều Nguyễn nói chung và vua Minh Mạng nói riêng đã có một tầm nhìn rất xa trong vấn đề phòng thủ và bảo vệ chủ quyền đất nước tại Bình Định. Nhận thấy cửa biển Thị Nại là nơi mà cướp biển và giặc ngoại xâm có thể tấn công nên vua Minh Mạng đã giao cho các Bộ xây dựng pháo đài để phòng thủ đề phòng những biến cố có thể xảy ra.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 215, năm Minh Mạng thứ 21 (1840) chép: Xây pháo đài Hổ Cơ ở cửa biển Thi Nại tỉnh Bình Định. Vua nghĩ cửa biển Thi Nại nước sâu núi cao, thuyền tàu thường hay đỗ lại, cũng là chỗ địa đầu xung yếu. Phái ty bộ Công và vệ Giám thành mỗi bên 1 người đi hội với quan tỉnh xem hình thế đất ấy. Bèn chuẩn cho lập một pháo đài ở xứ Hổ Cơ, gọi là pháo đài Hổ Cơ. Lại đặt 1 bảo lắp lũy đất ở gò cát đối ngạn với pháo đài, gọi là bảo Thi Nại để chống đỡ với nhau. Sai thuê 500 dân phu xây dựng công việc ấy. (Xứ Hổ Cơ ở bờ Đông Nam đồn cửa biển, trên có một núi cao hơn 7 trượng, có thể trông ra ngoài biển. Pháo đài xây hình tròn, chu vi 27 trượng, thân đài cao 5 thước 4 tấc, 3 mặt đằng trước, bên tả, bên hữu đều xây bậc đá, chia đặt 10 cỗ súng gang Hồng y, 2 cỗ súng gang Phách sơn, 6 cỗ súng đồng Quá sơn. Mặt sau làm cửa đài, khoảng giữa đài về mạn trước xây cột cờ, bên tả đặt kho thuốc súng, bên hữu làm trại lính. Gò cát ở phía Tây đồn cửa biển ngang đối với xứ Hổ Cơ, cách nhau hơn 280 trượng, bảo đắp hình dài, trước sau đài đều 10 trượng, tả hữu ngang đều 7 trượng 2 thước, thân lũy cao 6 thước 3 tấc. Mặt trước xây bậc để súng, chia đặt súng gang Hồng y, Phách sơn mỗi thứ 2 cỗ, 2 cỗ súng đồng Quá sơn. Mặt sau làm cửa bảo, quãng giữa bảo làm một trại lính. Chỗ gần bảo làm một cái nhà vuông, cho viên coi đồn ở.
Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 215, năm Minh Mạng thứ 21 (1840) chép tiếp: Đến khi xây dựng xong, phái 1 suất đội, 30 biền binh tỉnh ấy sung làm thủ hộ pháo đài và bảo ấy. Lại chế cờ phát để treo. (Cờ vải vàng 3 lá, đều dài 6 thước, rộng 5 thước; cờ đỏ, cờ gấm đỏ trắng, cờ gấm lam trắng mỗi thứ 1 lá; theo như mẫu cờ của pháo đài Phòng Hải. Còn cờ vàng, thì gặp ngày khánh tiết và ngày sóc, vọng, ngày thường chiểu lệ thay đổi mà treo. Còn các cờ khác thì khi thấy ngoài biển xa có thuyền giống như thuyền nhiều dây, mà chưa biết rõ là thuyền công của bản quốc hay là thuyền ngoại quốc, chỉ có 1, 2 chiếc thì treo cờ hiệu đỏ, đến 3, 4 chiếc trở lên thì treo cờ hiệu gấm đỏ trắng. Đến khi đã biết rõ là thuyền của bản quốc thì lập tức hạ cờ treo trước xuống, treo cờ vàng lên; thuyền ngoại quốc thì cũng hạ cờ treo trước xuống, treo cờ gấm lam trắng lên. Người coi đồn Thi Nại thấy trên đài treo cờ gì, lập tức báo ngay cho tỉnh, để phòng bị trước khi xảy việc).
Từ việc cho xây dựng pháo đài Hổ Cơ ở cửa biển Thị Nại và những quy định cụ thể hoạt động của pháo đài này đã cho thấy vương triều Nguyễn đã xem cửa biển Thị Nại là một địa điểm tối quan trọng trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước. Đó là một tầm nhìn xa bởi qua các sách chính sử chúng ta đã thấy cửa biển Thị Nại nhiều lần có cướp biển và giặc ngoại xâm nhòm ngó và triều Nguyễn đã có một số trận đánh tại đây để chống lại các mối đe dọa chủ quyền đất nước và bảo vệ thần dân. Kể từ khi xây dựng pháo đài Hổ Cơ, vương triều Nguyễn đã đập tan được nhiều âm mưu của các thế lực ngoại bang nhòm ngó nước ta.
Lê Khắc Niên